(HNM) - Mấy hôm nay, thông tin "chợ Long Biên sẽ bị xóa sổ" làm không ít người lo lắng. Không chỉ người kinh doanh tại đây sợ mất chỗ bán buôn, mà ngay cả nhiều người dân Hà Nội cũng cảm thấy một điều gì đó mất mát sắp tới. Nhưng thật may, đó chỉ là "sự nhầm lẫn trong thông tin" khi Bộ Công thương đã lên tiếng khẳng định khu chợ lớn nhất nhì Hà Nội này sẽ vẫn tồn tại. Chỉ có điều nó sẽ không còn chức năng "chợ đầu mối" nữa mà chỉ là chợ dân sinh hạng 2.
Thực tế thời gian qua, nhiều khu chợ truyền thống của Hà Nội đã được chuyển thành các trung tâm thương mại hoành tráng, nhưng chỉ tiếc là sau khi đưa vào sử dụng, không ít trong số đó phải chịu cảnh đìu hiu chợ chiều. Chính vì sự kém hiệu quả của các trung tâm thương mại này đã khiến TP Hà Nội phải tạm dừng việc chuyển đổi chợ. Giờ đến lượt chợ Long Biên. Cho dù cơ quan chức năng đã khẳng định sẽ không xóa chợ. Nhưng ngay cả việc chuyển đổi chức năng của chợ này cũng là vấn đề cần cân nhắc kỹ lưỡng. Người Việt ai cũng thân quen với chợ bởi đây là một thực thể rất đặc biệt trong đời sống. Ở Hà Nội điều ấy còn được nâng lên thành giá trị văn hóa đặc sắc, mà danh xưng Kẻ Chợ là rõ nhất. Đó không chỉ là nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi hội tụ văn hóa tinh tế, nhưng cũng dung dị và đời thường. Tại Hà Nội, chợ có ở khắp mọi nơi, có lịch sử từ rất lâu đời như Đồng Xuân, Bưởi, Long Biên… Ở vùng nông thôn, chợ chính là một không gian sinh hoạt cộng đồng, mang giá trị cả về văn hóa và xã hội.
Không chỉ có vậy. Các khu chợ truyền thống còn luôn có sức hấp dẫn mãnh liệt với khách du lịch. Bởi ở đây, du khách dễ dàng tìm hiểu sâu hơn về văn hóa, lối sống đặc trưng của người bản địa. Và thật mừng khi chợ Long Biên đã từng được một tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới bình chọn là một trong 7 khu chợ hấp dẫn nhất thế giới ở khu vực Châu Á. Trong đó, nét hấp dẫn riêng biệt nhất của nó là sự đa dạng của hàng hóa và hoạt động vào ban đêm, dưới chân một cây cầu cũng mang giá trị lịch sử đặc biệt.
Dẫu biết rằng, thực trạng hiện nay của chợ Long Biên đang gây nhiều rắc rối cho công tác quản lý, đó là vấn đề giao thông, là vệ sinh an toàn thực phẩm, là cảnh quan đô thị… cần phải có sự thay đổi nào đó. Nhưng chuyển đổi như thế nào thì cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng chứ không thể là sự quyết định duy ý chí của một cơ quan quản lý hay chính quyền. Nếu cần thiết có thể lấy ý kiến nhân dân về mô hình chuyển đổi. Vấn đề đặt ra là làm sao để khu chợ phát huy hiệu quả giá trị của nó, cả về văn hóa truyền thống, cả về du lịch và đời sống.
Chúng ta đã có những bài học chuyển đổi chợ truyền thống thành các trung tâm thương mại cũng như tin tưởng, giao phó chức năng mua bán, trao đổi hàng hóa... của người dân vào sức hấp dẫn từ sự "xa hoa" của mô hình siêu thị. Song cuối cùng thì hiệu quả chưa như mong muốn dù xét về lâu dài thì đây là việc cần thiết. Nhưng chúng ta cũng có những bài học thành công từ việc chuyển đổi cách thức quản lý và hoạt động của chợ mà trường hợp của chợ Đồng Xuân là minh chứng rõ nét. Như vậy có thể nói, việc giữ gìn, phát huy giá trị của chợ truyền thống mà không cần phải "xóa sổ" hay biến nó thành các trung tâm mua sắm xa hoa là điều không phải bất khả thi. Vấn đề chính vẫn là chúng ta có muốn làm hay không mà thôi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.