(HNM) - Giữa lúc các trận chiến ở Syria vẫn diễn ra ác liệt, căng thẳng liên quan đến vấn đề hạt nhân Iran chưa lắng xuống thì những cuộc đụng độ qua biên giới giữa Israel và Lebanon đã làm tăng nhiệt điểm nóng Trung Đông.
Sáng 2-9, Israel đã thả một quả khinh khí cầu gắn chất nổ vào thị trấn miền núi Mays của Lebanon song không gây thương vong. Động thái này diễn ra một ngày sau cuộc đụng độ giữa lực lượng Hezbollah và quân đội Israel ở biên giới. Trong đó, Hezbollah đã phóng một số tên lửa chống tăng vào phía Bắc Israel. Tuy nhiên, đây là hành động đáp trả các cuộc tấn công của quân đội Do Thái vào khu vực miền Nam Lebanon trước đó.
Những màn trả đũa lẫn nhau khiến Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố đặt quân đội nước này trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu nhằm đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra. Trong khi đó, Tổng Thư ký phong trào Hezbollah Hassan Nasrallah cảnh báo Israel đã chạm vào “lằn ranh đỏ” và cho biết lực lượng này sẽ đáp trả bằng cách tấn công vào sâu bên trong lãnh thổ Israel nếu Tel Aviv tiếp tục khiêu khích.
Xung đột vũ trang giữa hai bên bùng phát tới mức cao chưa từng có là hệ quả từ chuỗi tranh cãi dai dẳng. Lebanon liên tiếp cáo buộc Israel đưa máy bay không người lái xâm phạm không phận nước này, tấn công vào văn phòng của Hezbollah gần thủ đô Beirut cũng như một số vụ oanh kích vào nhiều vị trí ở miền Đông Lebanon. Về phần mình, Israel vẫn giữ quan điểm không gì quan trọng hơn việc tiêu diệt các mối đe dọa đến từ Hezbollah.
Các nhà phân tích nhận định, bên cạnh hận thù từ nhiều thập kỷ qua, dự án chế tạo tên lửa ngay tại Lebanon với sự hỗ trợ của chuyên gia Iran mà phong trào vũ trang này đang theo đuổi đang khiến Tel Aviv cảm thấy bất an. Độ chính xác cao của các tên lửa có thể vượt qua hệ thống phòng thủ tối tân của Israel và trở thành thách thức thực sự.
Được thành lập năm 1985 nhằm phản ứng trước sự kiện Israel xâm lược Lebanon, Hezbollah là một tổ chức chính trị - vũ trang của người Lebanon theo dòng Hồi giáo Shiite. Tuy nhiên, đây không phải là nhóm dân quân chỉ được trang bị các loại vũ khí hạng nhẹ, mà sau hơn 3 thập kỷ phát triển, phong trào này đã không ngừng lớn mạnh, củng cố được địa vị quân sự và chính trị vững chắc tại quốc gia Trung Đông. Hiện Hezbollah là lực lượng vũ trang mạnh nhất Lebanon và cũng là lực lượng vũ trang phi chính phủ chính quy nhất và có sức mạnh nhất tại khu vực.
Với việc sở hữu rất nhiều vũ khí tối tân cũng như kinh nghiệm tác chiến, Hezbollah có cả khả năng tấn công và phòng thủ toàn diện. Nhóm này cũng có mối liên hệ mật thiết với Iran và thường xuyên nhận được sự hỗ trợ về quân sự từ quốc gia được xem là “lãnh đạo” dòng Hồi giáo Shiite tại khu vực.
Với tôn chỉ "không đội trời chung” với quốc gia láng giềng Israel, tiềm lực và sự chuyên nghiệp ngày càng hoàn thiện của Hezbollah thường xuyên gây ra sự lo lắng cho Tel Aviv. Mối hiềm khích dai dẳng giữa hai bên trực tiếp dẫn đến cuộc chiến tranh 34 ngày vào tháng 7-2006, cướp đi sinh mạng của ít nhất 1.300 người, chủ yếu là công dân Lebanon và hơn 1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Xung đột kết thúc sau khi thỏa thuận ngừng bắn do Liên hợp quốc làm trung gian có hiệu lực từ tháng 9-2006 nhưng không ngăn trở được việc Hezbollah khôi phục lực lượng và tiếp tục khẳng định vị thế.
Vì vậy, những cuộc đụng độ dữ dội qua biên giới Israel và Lebanon những ngày qua đang mang đến lo ngại về nguy cơ bùng phát một cuộc chiến tổng lực mới. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi hai bên kiềm chế, duy trì lệnh ngừng bắn và tuân thủ đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Trong bối cảnh bầu không khí khu vực đang cực kỳ căng thẳng, đụng độ nếu không được kiểm soát tốt rất có thể trở thành “mồi lửa” đẩy cả khu vực vào vòng xoáy bạo lực không mong đợi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.