Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đừng để thiệt hại thuộc về khách hàng

Việt Nga| 21/08/2015 07:02

(HNM) - Có một dịch vụ đến nay chưa thấy DN nào kiến nghị cần phải có quy định về giá thành đó là dịch vụ 3G, nhưng lại rất hay kêu lỗ và dường như chỉ có dấu hiệu chờ để tăng giá…

Trước hết, với dịch vụ internet cáp quang, các DN cho rằng, do cạnh tranh nên giá dịch vụ ngày càng giảm khi các DN buộc phải đưa ra mức chỉ còn từ 150.000 đồng/thuê bao/tháng là quá thấp so với giá thành. Ước tính, giá thành của một nhà mạng lớn đầu tư cho một thuê bao cáp quang tới nhà khách hàng tại Hà Nội khoảng 320.000 đồng/tháng. Do vậy điều dễ thấy, các nhà cung cấp lớn phản ánh và kiến nghị Bộ TT-TT có quy định về giá thành với dịch vụ này để chống phá giá cũng là dễ hiểu. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng, so với các nhà cung cấp lớn và là đối thủ cạnh tranh như VNPT, Viettel thì FPT Telecom ngoài việc đã cổ phần hóa còn là DN có mô hình quản trị khá tiên tiến và hiệu quả. Bên cạnh đó, FPT Telecom chỉ kinh doanh dịch vụ băng rộng mà không có di động và điện thoại cố định như VNPT, Viettel, do vậy đây sẽ là nhà cung cấp đưa ra giá thành sát với thực tế nhất.

Xây dựng giá thành dịch vụ viễn thông cần bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng. Ảnh: Hải Anh


Với dịch vụ 3G, khi triển khai cung cấp, các nhà mạng Viettel, MobiFone, VinaPhone, Vietnamobile đã đầu tư lớn về hạ tầng, ước khoảng 3 tỷ USD. Khi mới cung cấp dịch vụ, để thu hút khách hàng sử dụng nên nhà mạng thường áp dụng gói cước với giá thành thấp. Đến giữa tháng 10-2013, với lý do là cước 3G thấp hơn giá thành và thực hiện tăng giá… Việc làm này đã bị dư luận phản đối và giới truyền thông đặt vấn đề có hay không các nhà mạng "bắt tay" cùng tăng cước.

Tiếp thu ý kiến công luận, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các DN báo cáo giải trình về vấn đề này. Sau đó, Bộ TT-TT đã tổ chức họp báo, tại đó cơ quan quản lý nhà nước và DN công bố sau khi tăng giá thì mức này mới chỉ đáp ứng khoảng 70% giá thành. Cũng tại thời điểm đó (năm 2013), lãnh đạo Cục Viễn thông cho biết, theo quy định giá cước dịch vụ viễn thông không được thấp hơn giá thành, đồng thời tùy theo thị trường và lượng người sử dụng, DN có thể tăng giá trong các năm tiếp theo để bảo đảm không bán dưới giá thành.

Điều đó được hiểu là nếu lượng người sử dụng 3G tăng, sẽ giúp DN tăng thêm doanh thu, từ đó sớm khấu hao đầu tư, để có lãi. Thực tế cho thấy, lượng thuê bao 3G ngày càng tăng nhanh. Cụ thể, tính đến tháng 7-2015, ước tính cả nước có hơn 30 triệu thuê bao 3G; trong đó, riêng 6 tháng đầu năm nay thuê bao 3G tăng trưởng hơn 7 triệu - được đánh giá là dịch vụ có tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Như vậy, cũng được hiểu là nếu khách hàng sử dụng dịch vụ này ngày càng đông, nhà mạng sẽ không thể tăng giá.

Hơn nữa, trong các phát ngôn của lãnh đạo các tập đoàn, DN cung cấp dịch vụ di động từ trước đến nay đều khẳng định việc đưa công nghệ 3G vào khai thác đã hỗ trợ tối đa cho 2G (thoại và tin nhắn) giúp việc truyền tải giọng nói qua điện thoại tốt hơn. Đặc biệt, 3G còn giúp các nhà mạng chống nghẽn mạng thành công. Ngoài ra, để tăng hiệu quả sử dụng băng tần, nâng cao chất lượng mạng lưới, từ năm 2014, Bộ TT-TT cho phép nhà mạng sử dụng băng tần 900MHz - do Nhà nước quản lý (vốn dành cho 2G để thí điểm) và đã triển khai để phát triển dịch vụ 3G nhằm giảm chi phí đầu tư để hạ giá thành.

Với những phân tích kể trên cho thấy, bằng các nguồn lực của Nhà nước (băng tần) và nguồn đầu tư do DN chịu trách nhiệm, cộng với người sử dụng ngày càng tăng thì về lý thuyết, rất khó để tăng giá dịch vụ 3G. Nhưng gần đây, một số cơ quan truyền thông thuộc Bộ TT-TT đã đăng tải những bài viết dài kỳ, một cơ quan báo điện tử tổ chức tọa đàm trực tuyến liên quan đến dịch vụ 3G… khiến dư luận đặt câu hỏi, dường như có sự chuẩn bị cho việc tăng cước. Đáng chú ý, trong một cuộc họp báo Chính phủ, lãnh đạo Bộ TT-TT cũng cho biết, cước 3G đang thấp hơn giá thành và không thể để vi phạm quy định khi DN bán dưới giá thành.

Như vậy, câu hỏi đặt ra là giá thành của dịch vụ này là bao nhiêu? Việc tính giá như thế nào, nhất là khi DN, cơ quan quản lý nhà nước bảo lỗ, nhưng kết quả doanh thu, lợi nhuận của các nhà mạng hàng năm vẫn tăng trưởng cao? Được biết, cũng trong đầu tháng 8-2015, Cục Viễn thông thuộc Bộ TT-TT đã tổ chức họp sửa lại Thông tư 16 về giá thành dịch vụ viễn thông cho phù hợp với quy định mới. Tại cuộc họp này, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, việc xây dựng giá thành dịch vụ viễn thông phải minh bạch và đây là vấn đề được dư luận, xã hội đặc biệt quan tâm. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng cần nắm bắt được giá thành dịch vụ để biết DN nào phá giá, gây bất ổn thị trường, từ đó có những biện pháp can thiệp kịp thời.

Dư luận mong muốn, trong lần sửa thông tư này, Bộ TT-TT sẽ có những quy định chuẩn mực để từ đó có biện pháp quản lý hiệu quả mang lại lợi ích cho người dân và ổn định thị trường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đừng để thiệt hại thuộc về khách hàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.