(HNM) - Trong các ngày từ 20 đến 29-10, trên cả nước xảy ra 4 vụ gây rối trong bệnh viện, khiến 1 người chết, 2 người bị thương là nhân viên y tế. Tình hình an ninh, trật tự ở “nơi cứu người” ngày càng ẩn chứa nhiều mối lo.
Bệnh viện chưa đủ sức bảo đảm an ninh
Gõ cụm từ “hành hung nhân viên y tế”, chỉ chưa đầy 1 phút, trang mạng Google đã cho ra gần 2,4 triệu kết quả. Tình hình mất an ninh, trật tự đã xảy ra ở cả bệnh viện lớn, nhỏ; từ tuyến trung ương đến địa phương. Đơn cử, ngày 29-10, một nam thanh niên đã đến Viện Pháp y tâm thần trung ương, đóng trên địa bàn huyện Thường Tín, sau đó dùng súng và dao khống chế điều dưỡng Lê Thị Hà. Ngày 28-10, sau khi nạn nhân được đưa vào cấp cứu tại một bệnh viện ở quận Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh), nhóm côn đồ đã kéo đến gây ra cuộc hỗn chiến kinh hoàng, khiến 1 người chết, 3 người bị trọng thương.
Trước đó, ngày 23-10, bác sĩ Trần Thanh Sơn ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) bị một đối tượng đánh dẫn đến chấn thương ở mắt, phải ra Hà Nội điều trị. Ngày 20-10, bác sĩ Trần Thị Thanh Hải ở một trạm y tế của Hà Tĩnh bị bệnh nhân chém dẫn đến đa chấn thương, tổn hại 17% sức khỏe…
Mặc dù được quan tâm, nhưng hầu hết các bệnh viện không đủ sức đáp ứng vấn đề an ninh. Ảnh: Sơn Hà |
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) tỏ ra lo ngại về tình trạng nhân viên y tế bị đe dọa và tấn công liên tiếp những ngày qua. Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, những vụ việc này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám, chữa bệnh, đe dọa tinh thần cũng như tính mạng của nhân viên y tế và người bệnh. Sau khi những sự việc này xảy ra, Bộ Y tế đã đề nghị các bệnh viện có các biện pháp bảo vệ thầy thuốc, đồng thời tập huấn cho họ một số biện pháp phòng tránh nguy cơ bị tấn công. Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng đang soạn cẩm nang hướng dẫn các bệnh viện biện pháp bảo đảm an ninh và an toàn.
Để bảo đảm an ninh, nhiều bệnh viện đã có giải pháp tăng cường lực lượng bảo vệ và lắp đặt hệ thống camera giám sát ở những khu vực trọng yếu. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, hầu hết các bệnh viện đều không đủ sức đáp ứng vấn đề an ninh, từ lực lượng bảo vệ đến thiết bị theo dõi an ninh. Khi sự việc xảy ra, họ không kịp phản ứng hoặc phản ứng chưa đủ mạnh.
Hơn nữa, do thiếu kỹ năng, nên khi có đối tượng côn đồ mang vũ khí, hung hãn tấn công thì lực lượng bảo vệ bệnh viện cũng không dám lao vào khống chế đối tượng. Ngoài ra, các bệnh viện thiếu sự phối hợp, hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương, mỗi khi vấn đề mất an ninh xảy ra.
Qua tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, trung bình mỗi bệnh viện tiếp nhận từ 1.000 đến 6.000 bệnh nhân/ngày, chưa kể hàng nghìn người nhà đi kèm, trong khi lực lượng bảo vệ chỉ có từ 8 đến 12 người. Thậm chí, có nơi sử dụng những người mất sức lao động, về hưu làm công việc bảo vệ; hoặc có tuyển dụng nhân viên bảo vệ, song công tác kiểm tra, huấn luyện không được thực hiện thường xuyên.
Cần sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương
Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh, trong 10 tháng năm 2017, cả nước đã xảy ra hàng chục vụ gây rối, mất an ninh bệnh viện nghiêm trọng. Bức xúc trước các vụ việc xảy ra gần đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lo lắng, y, bác sĩ bị bạo hành có xu hướng gia tăng, nhưng ngành Y tế gần như đang đơn độc trong giải quyết tình trạng này. Cán bộ, nhân viên y tế trong lúc phải tập trung trí tuệ để chăm sóc bệnh nhân thì bị đe dọa, hành hung, trong khi lực lượng bảo vệ không đủ sức, gọi công an đến thì sự việc đã rồi…
Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược - Chính sách y tế, tỷ lệ bạo hành nhân viên y tế chiếm khoảng 25% tổng số các trường hợp bạo hành nơi làm việc. Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, tỷ lệ nhân viên y tế bị bạo hành cao gấp 16 lần so với các ngành khác; ở Anh gấp 4 lần, Thụy Điển gấp 6-7 lần. Để ngăn ngừa tình trạng mất an ninh bệnh viện, ở Mỹ, các hiệp hội bảo vệ người lao động tích cực tham gia hướng dẫn nhân viên y tế tập trung vào việc phòng ngừa bằng cách bố trí nhân sự phù hợp; phân tích các khu vực làm việc nguy hiểm... Cùng với đó là các hành vi tấn công gây thương tích thân thể bác sĩ, nhân viên y tế bị xử phạt nặng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh, việc tăng cường công tác bảo đảm an ninh bệnh viện, trước hết rất cần được lãnh đạo các bệnh viện quan tâm, phối hợp với cơ quan công an để thực hiện hiệu quả hơn. Từng bệnh viện phải lập kế hoạch, phương án, nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực cho nhân viên y tế; diễn tập đối phó với các tình huống gây mất an ninh bệnh viện.
Theo ông Nguyễn Viết Tiến, nếu chỉ có ngành Y tế triển khai thực hiện, chắc chắn việc ngăn chặn bạo hành y tế sẽ không thành công. Do đó, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là sự quan tâm sát sao của chính quyền địa phương, lực lượng công an... Không thể để tình trạng hành hung, thậm chí là giết hại nhân viên y tế chỉ chịu mức phạt vài năm tù. Với những hành vi như vậy, luật pháp phải xử thật nghiêm minh và coi đây là trọng tội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.