Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đừng để đến hè lại "khát"

Ngọc Hạ| 16/04/2016 08:25

(HNM) - Năm nào cũng vậy, cứ độ vào hè, chẳng riêng gia đình tôi mà tất cả các hộ dân ở khối Hồng Phong (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) đều thấp thỏm chuyện nước sạch. Ngoài các bể chứa cố định vốn có, nhà nào cũng thu lượm thêm đủ loại thùng chứa với mong muốn dự trữ được càng nhiều nước sạch càng tốt.


Các thông tin về lịch cấp, cắt nước ở khu vực đều được người dân cập nhật sát sao và truyền tai nhau để cùng đối phó với cơn khát. "Tin buồn" đến khá sớm khi chúng tôi nhận được thông tin, Hà Nội có thể "khát" nước sạch trong mùa hè 2016. Địa bàn khu dân cư tôi ở cuối nguồn, nếu thiếu chúng tôi sẽ thiếu sớm nhất và phải chịu cảnh này lâu nhất. Chúng tôi cứ thắc mắc với nhau rằng, đơn vị quản lý cấp nước chắc hẳn nắm chắc vị trí địa hình của từng khu dân cư, nên nơi nào có nước hay thiếu nước đều rõ, vậy sao không chủ động điều tiết nguồn cấp từ sớm để phân bổ đồng đều và công bằng. Đằng này cứ để người dân lên tiếng mới xử lý như kiểu "con khóc mẹ mới cho bú".

Còn thông tin của ngành nước sạch Hà Nội nói chung thì năm nào tôi cũng thấy khoảng từng đấy địa điểm thiếu nước sạch như năm trước. Vẫn là các khu vực ở cuối nguồn nước như đường Bưởi, Thụy Khuê, Chương Dương, Phúc Tân, Đường Láng, ngõ Thái Thịnh 2, Khương Trung, Khương Đình, Thịnh Liệt… Nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy báo cáo kế hoạch cụ thể nào nhằm giảm dần số khu vực thiếu nước mà chỉ là các phương án tình thế như điều tiết cấp nước, lắp đặt bơm tăng áp di động, hỗ trợ xe stéc.

Trong hàng loạt những nguyên nhân khách quan khiến lượng nước cung không đủ cầu như nhu cầu tiêu thụ nước sạch trong dịp hè tăng cao đến 12%, nguồn nước Sông Đà thường xảy ra sự cố bất kỳ… còn tồn tại những nguyên nhân chủ quan dẫn đến nghịch lý nước sạch khó có thể chấp nhận. Nhiều trạm cấp nước sạch ở ngoại thành đã được đầu tư tiền tỷ nằm "đắp chiếu", người dân sống ngay cạnh trạm cấp nước phải dùng nước giếng khoan… chỉ có 83/110 trạm cấp nước nông thôn hoạt động ổn định với công suất đạt 75% so với thiết kế, tỷ lệ thất thoát nước khá cao, trung bình là 30% và cao nhất là 70%. Thất thoát cao thì bảo sao người dân không thiếu nước dùng?

Nguyên nhân chủ quan còn phải kể đến các kế hoạch cấp nước mùa hè của các công ty nước sạch triển khai kiểu "nước đến chân mới nhảy". Công ty nước sạch Hà Nội cho biết, đến 30-3-2016 sẽ thổi rửa bảo dưỡng xong 57 giếng, ngày 10-4-2016 sẽ khoan phá đáy xong 7 giếng để tập trung phục vụ kế hoạch cấp nước hè. Chẳng thế, tuần trước bạn tôi ở phường Phương Mai (quận Đống Đa) đã than phiền vì nhận thông báo mất nước đến 8 ngày để đơn vị quản lý tiến hành xúc xả đường ống. Gần đây nhất là phương án giải quyết khó khăn cấp nước bằng cách sẽ nghiên cứu lắp bồn chứa nước dự trữ tại các nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng được đưa ra khi nắng nóng đã vào mùa.

Tránh lãng phí trong đầu tư, tăng cường năng lực cấp nước tại các dự án đã thi công, vận hành. Sớm triển khai các kế hoạch cấp nước mùa hè, tìm giải pháp giải nhiệt các điểm nóng từ khi chưa "khát" là mong mỏi của nhiều người dân Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đừng để đến hè lại "khát"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.