Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đừng để dân ”đói”… thông tin

Hoàng Thu Vân| 22/04/2014 05:45

(HNM) - Thời gian vừa qua có khá nhiều vụ việc "hâm nóng" dư luận. Ví dụ như diễn biến phức tạp của bệnh sởi; việc xin rút đăng cai tổ chức ASIAD 18; công tác điều hành giá các mặt hàng điện, xăng, dầu; chuyện nông dân được mùa, rớt giá…



Qua đó, một vấn đề nổi lên được người dân đặc biệt quan tâm, đó là sự công khai, minh bạch. Nói một cách khác, ở nhiều vấn đề lớn, liên quan tới đời sống, sinh hoạt, thậm chí có thể tác động trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng…, người dân đang "đói" thông tin.

Trước đây, khi quyền lợi của người tiêu dùng chưa nhận được sự quan tâm cần thiết, người ta thường đề cập tới cụm từ: Cần phải trở thành… người tiêu dùng thông thái. Tuy nhiên, với hàng loạt chuyện liên quan mật thiết tới đời sống như đã nêu ở trên thì có lẽ, người dân cũng phải trở thành… công dân thông thái. Song, để trở thành công dân thông thái thì người dân cũng phải được cung cấp đầy đủ thông tin. Và như vậy, mọi chuyện đều cần công khai, minh bạch.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014 của Văn phòng Chính phủ diễn ra hồi đầu năm, phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: "Công dân có quyền được thông tin. Bây giờ người dân cầm điện thoại di động trên tay cũng có thể truy cập được thông tin và biết được nhiều thông tin. Trách nhiệm của Chính phủ là cung cấp thông tin kịp thời, chính xác và đầy đủ cho người dân".

Cũng tại hội nghị này, người đứng đầu Chính phủ có những chỉ đạo rất đáng chú ý. Cụ thể như Thủ tướng đã phát biểu: "Trách nhiệm của chúng ta là giải trình, giải đáp cho người dân với tinh thần Chính phủ phục vụ. Có việc thứ trưởng, có việc bộ trưởng hoặc phó thủ tướng, có việc do Thủ tướng Chính phủ phải giải trình, tôi rất sẵn sàng…". Như vậy có thể thấy, nhu cầu về việc cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ và chính xác đối với từng vấn đề, lĩnh vực là đòi hỏi chính đáng của người dân. Đây cũng cần nhìn nhận là trách nhiệm cần phải có đối với các công bộc của nhân dân. Xin tiếp tục dẫn thêm ý kiến của Thủ tướng tại hội nghị nêu trên: "Do vậy các bộ trưởng, trưởng ngành cần chủ động cung cấp thông tin cho báo chí để tạo sự đồng thuận xã hội, cung cấp thông tin về những việc làm được và kể cả khuyết điểm, yếu kém cũng không giấu giếm".

Trở lại với những vấn đề, sự việc đang "hâm nóng" dư luận xã hội, nếu người dân được cung cấp đầy đủ thông tin, có lẽ sự bức xúc đã không có điều kiện để hình thành. Giá như người ta hiểu các yếu tố hình thành giá bán, lợi nhuận, chi phí cụ thể… đối với các mặt hàng điện, xăng, dầu; giá như người ta biết bệnh sởi lây qua đường hô hấp nên có thể nhiễm chéo ở những nơi đông người, rồi tiêm phòng mũi 1 có thể ngừa đạt hiệu quả trên 80%, mũi 2 hiệu quả tới hơn 90%; giá như người ta hiểu cách tính toán các chi phí trong việc đăng cai tổ chức ASIAD 18 của các cơ quan tham mưu để có những con số cụ thể báo cáo trước Quốc hội, Chính phủ… Chắc hẳn nếu những điều "giá như…" đó là hiện thực, nhiều bất cập đã được khắc phục, sẽ tìm ra biện pháp giải quyết những vấn đề có chiều hướng trở thành phức tạp, đặc biệt là việc không để xảy ra hậu quả đáng tiếc hoặc rơi vào tình trạng bị động, "nước đến chân mới nhảy"…

Đặc biệt, khi người dân không "đói" thông tin và các ngành chức năng được giao công tác quản lý nhà nước có những cách thức, biện pháp giải quyết thỏa đáng đối với từng vấn đề thì sẽ tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội. Đó cũng chính là yếu tố cần thiết để huy động mọi nguồn lực trong xã hội cả về vật chất và tinh thần phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Làm được như vậy, chắc chắn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng không phải liên tục nhắc tới trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, địa phương, đơn vị… như trong thời gian qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đừng để dân ”đói”… thông tin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.