(HNM) - Gần chục ngày qua, báo chí phản ánh rồi phân tích chuyện giá xăng dầu trên thị trường thế giới giảm nhưng giá của ta vẫn giữ nguyên. Tại sao có chuyện kỳ quặc thế dù Chính phủ đã có chỉ đạo việc điều hành giá bán xăng dầu phải công khai, minh bạch và tuân thủ theo quy luật thị trường? Đâu là bất cập của cơ chế chính sách? Rồi việc đó ai hưởng lợi? Ai chịu thiệt? Những tính toán cụ thể lợi nhuận thu về từng ngày là bao nhiêu?...
Tóm lại là hàng loạt vấn đề đặt ra. Cuối cùng, chiều qua (bắt đầu từ 14h ngày 28-7), Liên bộ Tài chính - Công thương yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối phải điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, mức giảm tối thiểu đối với xăng là 325 đồng/lít; dầu diesel 0,05S là 346 đồng/lít; dầu hỏa là 346 đồng/lít.
Hàng loạt báo điện tử đưa thông tin này giật tít: "Giá xăng dầu bất ngờ giảm hơn 300 đồng/lít". Có lẽ ở đây chuyện "bất ngờ" cho dư luận không phải là mức giảm cao (thực tế mỗi lít giảm có hơn 300 đồng), mà điều khiến mọi người "bất ngờ" là mấy "ông" bán xăng dầu phải chịu giảm giá.
Nút thắt đó chính là chỗ "vui", chỗ "thú vị" mà dư luận chờ đợi. Nói vậy vì xâu chuỗi lại nhiều mắt xích cho thấy, có quá nhiều bất cập khiến việc điều hành giá xăng dầu chưa theo đúng quy luật của thị trường - cụ thể là giá nhập cao thì bán cao, giá nhập thấp thì bán thấp. Cũng bởi lẽ đó, nhiều người đã ngán ngẩm suy diễn tiêu cực rằng, giá xăng dầu đã lên, không xuống; hoặc giả tăng rất nhiều nhưng có giảm cũng chẳng đáng là bao.
Tồn tại tình trạng trên là vì có quá nhiều bất cập. Một tờ báo tính toán, trung bình mỗi ngày thị trường nội địa tiêu thụ khoảng 38 triệu lít xăng dầu các loại. Như vậy khi diễn biến giá thế giới giảm mạnh, với giá bán và mức được trích từ Quỹ Bình ổn giá hiện tại, mỗi ngày doanh nghiệp ngành xăng dầu bỏ túi khoảng 18 tỷ đồng. Thế thì làm sao họ muốn giảm giá bán? Do đó, mấy "ông" doanh nghiệp xăng dầu nại lý do: "Việc điều hành giá xăng dầu hiện nay đang nằm trong tay Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), doanh nghiệp không được quyền quyết". Rồi họ đẩy ngay "quả bóng": "Trách nhiệm điều chỉnh giá xăng dầu thuộc Liên bộ Tài chính - Công thương, doanh nghiệp sẵn sàng làm theo sự điều chỉnh của liên bộ". Nhưng nghịch lý là ở chỗ, nếu giá xăng dầu trên thị trường thế giới tăng, ngay lập tức các doanh nghiệp "gây sức ép" để tăng giá và đòi hỏi việc tăng tiền trích từ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Như vậy, sự công bằng là ở đâu? Có lẽ với mức lợi nhuận lớn như thế khó mà đòi hỏi sự tự giác của các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này. Vậy nên mới cần thiết việc giám sát và "bàn tay" điều phối của các cơ quan chức năng. Vậy nhưng, chỉ riêng việc lấy giá bình quân 30 ngày để căn cứ tính giá cơ sở là nguyên nhân khiến giá thế giới giảm, giá bán lẻ trong nước không giảm, thậm chí lại tăng, còn khi giá thế giới tăng thì mình giảm giá trong nước. Bất hợp lý đó ai cũng thấy và các đại biểu Quốc hội đã từng đề cập, chất vấn vấn đề này. Song tới giờ này, cơ chế chính sách vẫn chưa thay đổi. Và với "cây gậy" điều hành như thế, chỉ riêng chuyện ấy đã khó thuyết phục dư luận rằng mọi vấn đề đều được công khai, minh bạch. Ấy là chưa nói tới chuyện, cơ quan nào quản lý cho phù hợp, cho công bằng, tránh việc dư luận dị nghị "vừa đá bóng, vừa thổi còi"; xây dựng thị trường cạnh tranh; rồi kết cấu hình thành giá cơ sở, mức trích lập, số dư và quản lý sử dụng Quỹ Bình ổn giá; công khai báo cáo kinh doanh, báo cáo kiểm toán...
Nếu tất cả những vấn đề trên được giải quyết thì có lẽ dư luận, mà cụ thể là người tiêu dùng không còn bị bất ngờ mỗi khi giá xăng dầu tăng hoặc giảm. Và như thế mới thực sự là hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân chứ không phải phần thiệt luôn về phía người tiêu dùng như hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.