(HNMO) – Các nhà khoa học Đức hy vọng rằng cỗ máy mới nhất có thể mở đường cho nghiên cứu tạo ra hydrogen để sử dụng làm nhiên liệu xanh.
Cỗ máy Synlight có thể tạo ra ánh sáng mạnh hơn 10.000 lần so với ánh sáng tự nhiên của Mặt trời chiếu lên Trái đất. |
Hệ thống có tên gọi Synlight được phát triển tại Trung tâm Không gian vũ trụ Đức gồm một cụm gần 149 đèn pha năng lượng cao với khả năng tạo ra ánh sáng mạnh hơn 10.000 lần ánh sáng mặt trời.
Theo Giám đốc Viện Nghiên cứu Vũ trụ Bernhard Hoffschmidt, thử nghiệm này nhằm nghiên cứu phương pháp mới để tạo ra nguyên liệu hydro cho các phương tiện sử dụng nhiều nhiên liệu như ô tô và máy bay.
“Chúng tôi muốn mang nhiên liệu của Mặt trời đến Trái đất bằng cách tạo ra bức xạ giống như bức xạ của Mặt trời trong phòng thí nghiệm. Chúng tôi sắp xếp tất cả các bóng đèn để chúng hướng về một điểm và tạo ra mức nhiệt lên tới 3.000 độ C”, ông nói.
Ông cũng cho biết, cỗ máy này sẽ tạo ra hơi nước - có thể tách thành hydro và oxy. Sau đó, khí hydro được tạo ra sẽ có thể sử dụng làm năng lượng cho máy bay và ô tô – vốn vận hành bằng cách đốt cháy nhiên liệu rồi xả ra khí carbon dioxide.
Hầu hết các quốc gia đang phải đối mặt với áp lực giảm lượng khí thải carbon dioxide và tìm phương pháp mới để sử dụng năng lượng từ các nguồn năng lượng tái tạo như gió hoặc Mặt trời để tách hydro từ nước thông qua quá trình điện phân.
Cỗ máy Synlight cũng tiêu thụ nguồn năng lượng lớn, trong 4 tiếng, hệ thống của bộ máy có thể sử dụng lượng điện năng tương đương lượng điện một hộ gia đình 4 người sử dụng trong vòng một năm. Mục đích cuối cùng của các nhà khoa học trong thử nghiêm lần này là có thể sử dụng nguồn ánh sáng tự nhiên để tạo ra hydro chứ không phải dùng ánh sáng nhân tạo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.