Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dựa vào dân để kiểm tra, giám sát

Tuấn Kiệt| 05/01/2017 06:48

(HNM) - Kiểm tra, giám sát là một hoạt động không thể thiếu trong công tác lãnh đạo. Trong bài viết trên Báo Sự thật ngày 30-11-1948, Bác Hồ từng nhấn mạnh rằng “đã lãnh đạo thì phải kiểm tra, lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo”. Về cách kiểm tra, Bác yêu cầu “tin vào dân chúng”, người cán bộ cần xuống với dân, hỏi dân, lắng nghe dân, tìm hiểu cuộc sống của dân và người dân sẽ góp ý.


Thực tế, một trong những phương châm xây dựng Đảng là tổ chức cho quần chúng tham gia xây dựng, kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức Đảng và phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Tất nhiên, kiểm tra không phải chỉ để xử lý sai phạm, mà cần gắn với phê bình và tự phê bình nhằm sớm có biện pháp khắc phục để phát triển vững mạnh, xây dựng Đảng trong sạch. Nói cách khác là phải coi trọng thực hiện phần “xây” trước phần “chống”.

Nguyên tắc hoạt động của Đảng là phải gắn bó máu thịt với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng. Tức là quần chúng luôn gắn bó với tổ chức Đảng và đảng viên, là một kênh quan trọng để kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, góp ý kiến xây dựng Đảng.

Chính vì vậy, trong việc sửa chữa thiếu sót, khuyết điểm cần đưa mọi vấn đề ra cho dân thảo luận và tìm cách giải quyết. Quần chúng luôn luôn quan tâm và nhận biết mọi hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên, kể cả ưu điểm, thiếu sót, khuyết điểm, hạn chế, dấu hiệu vi phạm. Chừng nào mà người dân còn muốn góp ý cho Đảng, phê bình đảng viên này hay góp ý cho cấp ủy kia thì đó chính là điểm mừng, bởi nếu người dân im lặng, không góp ý gì mới chính là nguy cơ đáng sợ.

Hiện nay, có thể thấy người dân đang rất hào hứng, thể hiện tinh thần trách nhiệm trong góp ý cho Đảng, điều này cho thấy nhân dân đang đặt nhiều kỳ vọng với Đảng. Vấn đề còn lại là trách nhiệm, là quyết tâm của các cấp ủy đảng, phải làm sao cho hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.

Hiện nay, trong các nguy cơ đã được Đảng xác định, đáng chú ý là tình trạng tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng, chính trị và phẩm chất đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên dẫn đến tình trạng giảm sút tính chiến đấu trong Đảng. Nhiều vấn đề xã hội bức xúc chậm được giải quyết cũng làm cho công tác kiểm tra, giám sát càng khó khăn, phức tạp. Để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã chỉ ra “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, tiếp đến Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) cũng xác định rõ việc phải “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”.

Có thể khẳng định, hơn lúc nào hết, các cấp ủy đảng bên cạnh nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, chương trình kiểm tra, giám sát cụ thể, còn phải biết dựa vào dân để kiểm tra, giám sát. Bởi vì, như Bác đã khẳng định: “Dân chúng đồng lòng thì việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”. Việc nắm chắc tình hình tư tưởng của các tầng lớp nhân dân sẽ góp phần mở rộng dân chủ, tăng cường hoạt động chất vấn, đối thoại, phản biện trong Đảng, kịp thời phát hiện những biểu hiện suy thoái của cán bộ, đảng viên.

Kết hợp chặt chẽ công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với việc thực hiện quy chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và đóng góp trực tiếp từ người dân thì chắc chắn mọi yếu kém, khuyết điểm sẽ được khắc phục. Có như vậy mới xây dựng được tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh đồng thời củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân đối với Đảng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dựa vào dân để kiểm tra, giám sát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.