(HNM) - Dù đang cho thấy vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế và đời sống xã hội, đặc biệt khi dịch Covid-19 bùng phát song thực tế, thương mại điện tử còn phải vượt lên nhiều thách thức để phát triển hơn nữa trong thời gian tới. Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Nguyễn Ngọc Dũng nhằm thông tin rõ hơn về vấn đề này.
- Ông đánh giá như thế nào về vai trò của thương mại điện tử trong bối cảnh dịch Covid-19?
- Hoạt động thương mại điện tử đã và đang tham gia vào hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Thương mại điện tử cũng là kênh tiêu thụ hàng hóa hiện đại, phục vụ đời sống người dân hiệu quả. Với nền kinh tế đang phát triển và dân số gần 100 triệu người, Việt Nam là thị trường tiềm năng cho thương mại điện tử phát triển. Theo Sách trắng thương mại điện tử tại Việt Nam năm 2020, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử bán lẻ ổn định ở mức 18%, với doanh thu bán lẻ đạt 11,8 tỷ USD; đồng thời có tới 53% dân số Việt Nam đã tham gia vào mua bán lẻ bằng hình thức thương mại điện tử.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, khó khăn đặt ra đối với các hoạt động mua bán truyền thống càng làm rõ hơn vai trò của thương mại điện tử. Thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ, trở thành phương thức giao dịch được sử dụng phổ biến.
Nhiều sàn thương mại điện tử đã thể hiện rõ vai trò quan trọng trong lưu thông, cung ứng hàng hóa phục vụ người dân khi thực hiện giãn cách xã hội. Đáng chú ý, trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư này, nhiều sàn thương mại điện tử như Sendo, Shopee, Lazada, Tiki… đã đi đầu tham gia cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, với sức mua nhóm sản phẩm thực phẩm tươi sống trên các sàn tăng từ 150% đến 300% so với thời gian trước đó. Ngoài ra, các sàn thương mại điện tử cũng vào cuộc hỗ trợ tiêu thụ nông sản đang vào vụ thu hoạch của bà con nông dân tại nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Thủ đô Hà Nội…
- Theo ông, ngành Thương mại điện tử Việt Nam hiện có những khó khăn, thách thức gì?
- Thương mại điện tử luôn gắn liền với các hoạt động phát triển chung của nền kinh tế. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động mạnh đến nền kinh tế, đặc biệt là chuỗi cung ứng và hoạt động xuất khẩu. Sự sụt giảm của nền kinh tế đã tác động trực tiếp đến hoạt động thương mại điện tử. Hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới bắt đầu gặp khó khăn từ giữa năm 2021, khi các thị trường nước ngoài bị ảnh hưởng nặng nề và việc vận chuyển giữa các nước bị hạn chế. Tuy nhiên, trong đại dịch, thương mại điện tử nội địa phát triển khả quan, hầu hết các mặt hàng phục vụ đời sống vẫn duy trì đà tăng trưởng.
- Có đánh giá cho rằng, ngành Thương mại điện tử sẽ có cơ hội bật tăng trong bối cảnh dịch Covid-19. Ông có quan điểm ra sao về vấn đề này?
- Như tôi đề cập ở trên, thương mại điện tử đang có cơ hội phát triển bứt phá nhưng không thể tách rời xu thế phát triển chung của nền kinh tế. Dịch Covid-19 tác động nặng nề đến hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa, do vậy thương mại điện tử cũng bị ảnh hưởng. Một điểm tích cực trong bối cảnh dịch bệnh là thói quen mua hàng của người dân trên môi trường trực tuyến đã thay đổi rất nhiều và nó sẽ có tác động tốt trong phát triển thương mại điện tử sau đại dịch.
- Vậy ngành Thương mại điện tử cần thay đổi như thế nào để thích ứng trong bối cảnh dịch Covid-19?
- Trong lĩnh vực thương mại điện tử, hoạt động cung ứng và hoàn tất đơn hàng có vai trò quan trọng, bắt đầu từ khâu tổ chức cung cấp nguồn hàng đến việc vận chuyển, giao hàng cho người mua. Cũng chính từ vấn đề này, các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử cần tập trung giải quyết bài toán tổ chức vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch bệnh. Đồng thời, lực lượng tham gia chuỗi cung ứng của doanh nghiệp thương mại điện tử cần được ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 và có các biện pháp hướng dẫn phòng dịch cụ thể. Các giải pháp tình thế cũng cần được tính đến, bởi quy định của các địa phương có thể thay đổi rất nhanh theo diễn biến dịch.
- Ông có kiến nghị gì để giúp ngành Thương mại điện tử có thể phát triển hơn trong thời gian tới?
- Để thúc đẩy thương mại điện tử trong giai đoạn hiện nay, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cùng các sàn thương mại điện tử đã nêu các kiến nghị trong việc duy trì hoạt động của đội ngũ giao, chuyển hàng và bảo đảm lưu thông hàng hóa bình thường tới Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cùng các địa phương. Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn các chính sách đưa ra cần mang tính khuyến khích phát triển thương mại điện tử, hạn chế tối đa các văn bản dưới luật thiếu tính nhất quán, các quy định chồng chéo được ban hành bởi nhiều bộ, ngành khác nhau, gây khó khăn cho doanh nghiệp thương mại điện tử. Các văn bản pháp luật nên tạo điều kiện cho các mô hình thương mại điện tử mới được phép thử nghiệm thay vì hạn chế ngay từ đầu.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.