Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đưa Luật Thủ đô vào cuộc sống

Việt Tuấn| 24/04/2018 07:05

(HNM) - Luật Thủ đô là văn bản pháp lý đặc biệt quan trọng đối với Hà Nội, trong đó quy định nhiều cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo động lực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô...


Ủy ban Tư pháp của Quốc hội giám sát việc chấp hành pháp luật đối với các cơ quan tư pháp của TP Hà Nội.


Ban hành chính sách đúng thẩm quyền

Luật Thủ đô quy định thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND TP Hà Nội gồm 11 nội dung nhằm cụ thể hóa các quy định của luật. Thời gian qua, HĐND thành phố đã thực hiện nghiêm túc Luật Thủ đô, ban hành các nghị quyết quy định cơ chế, chính sách mang tính đột phá, định hướng lâu dài, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, để Luật Thủ đô đi vào cuộc sống, HĐND thành phố đã thường xuyên giám sát UBND thành phố và các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện các quy định của luật, nghị quyết của HĐND thông qua hoạt động chất vấn tại các kỳ họp, giám sát, khảo sát theo chuyên đề... Tính từ năm 2014 đến hết năm 2017, Thường trực HĐND thành phố đã tiến hành 15 cuộc giám sát, các ban HĐND thành phố giám sát, khảo sát 105 cuộc về các nội dung liên quan.

“Nhiều chủ đề theo quy định của Luật Thủ đô được HĐND thành phố chất vấn, giám sát, khảo sát thu hút sự quan tâm của đại biểu HĐND, được dư luận cử tri và nhân dân Thủ đô đồng tình, đánh giá cao. Nổi bật như các nội dung: Việc thực hiện quy định về trường chất lượng cao; quản lý, sử dụng biệt thự, nhà thuộc sở hữu nhà nước; cải tạo, xây dựng chung cư cũ; phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng; việc triển khai các biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch chung xây dựng Thủ đô...” - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố nhấn mạnh.

Ngoài ban hành 17 nghị quyết cụ thể hóa các nội dung Luật Thủ đô giao, HĐND thành phố còn ban hành 2 nghị quyết quy định chi tiết bảo đảm thi hành Luật Thủ đô, gồm: Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND về việc thông qua Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030"; Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐND “Quy định việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn TP Hà Nội được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực”. Trong đó, Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND quy định những nội dung ưu tiên về tổ chức giao thông, cũng như một số giải pháp lớn để giải quyết những tồn tại, hạn chế về giao thông đô thị và ô nhiễm môi trường đang đặt ra tại Thủ đô.

Cần điều chỉnh, bổ sung một số chính sách đặc thù

Dù vậy, quá trình triển khai Luật Thủ đô vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Trong tổng số 11 nội dung chính sách cần ban hành quy định chi tiết thuộc trách nhiệm của HĐND thành phố, vẫn còn nội dung HĐND thành phố đang thực hiện là ban hành Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai theo Điểm a, Khoản 2, Điều 20 Luật Thủ đô. Nguyên nhân do Nghị định 102/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai ban hành sau khi có Luật Thủ đô, trong đó mức phạt theo quy định hiện nay đã gấp 2 lần so với mức phạt cũ, nên trước mắt thành phố chưa quy định tăng mức phạt.

Bên cạnh đó, có văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ đến nay chưa được ban hành như quyết định ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch, kiến trúc đối với khu vực cải tạo, tái thiết đô thị tại 4 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng. Nguyên nhân chậm là do để ban hành được quy chuẩn, tiêu chuẩn này phải nghiên cứu kỹ, vì đây là khu vực nội đô lịch sử, đồng thời phải tuân thủ các quy định của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, các quy chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn Việt Nam do Bộ Xây dựng ban hành... Ngoài ra, việc phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô để thi hành các quy định của Luật Thủ đô vẫn còn nhiều hạn chế do chưa có quy chế cụ thể...

Để Luật Thủ đô phát huy tối đa hiệu quả trong cuộc sống, HĐND TP Hà Nội đã đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét điều chỉnh, bổ sung một số quy định đặc thù nhằm thực hiện mô hình chính quyền đô thị theo Kết luận số 22-KL/TƯ ngày 7-11-2017 của Bộ Chính trị. Đồng thời cho phép HĐND thành phố được quy định mức xử phạt cao hơn mức phạt tối đa do Chính phủ quy định đối với một số lĩnh vực cần thiết, cấp bách, như: An toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng cháy, chữa cháy; tiếp tục quan tâm cho các cơ chế về vốn để Hà Nội thực hiện các dự án trọng điểm, quan trọng trên địa bàn theo quy định trong Luật Thủ đô.

HĐND thành phố cũng đề nghị, Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng, quy hoạch; di dời các cơ quan, trường học, bệnh viện trong khu vực nội thành và bàn giao đất để thành phố quản lý theo thẩm quyền, thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy định.

Sự nỗ lực của thành phố cùng sự hỗ trợ, tạo điều kiện kịp thời của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương trong việc tiếp tục đưa Luật Thủ đô vào cuộc sống sẽ giúp Hà Nội phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa Luật Thủ đô vào cuộc sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.