(HNM) - Từ đầu năm đến nay, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các tập đoàn phân phối nước ngoài tập trung nâng cao năng lực cho doanh nghiệp để đủ khả năng xuất khẩu vào các hệ thống phân phối hiện đại trên thế giới.
Người tiêu dùng Nhật Bản tiếp cận hàng Việt tại siêu thị Aeon Mall. |
Hình thức xuất khẩu hiệu quả
Mới đây, 100 tấn nông sản Việt gồm khoai lang vàng, khoai lang tím, thanh long, trái cây sấy, bánh tráng đã được xuất khẩu sang hệ thống 700 siêu thị Big C Thái Lan. Đây là đơn hàng nông sản đầu tiên xuất khẩu thành công sang chuỗi siêu thị của Thái Lan sau khi Công ty MM Mega Market được cấp phép xuất khẩu vào cuối năm 2017.
Để có kết quả này, trước khi xuất khẩu trực tiếp, MM Mega Market đã tổ chức nhiều chương trình giới thiệu, quảng bá hàng Việt Nam đến với người tiêu dùng Thái Lan. Sau các chương trình này, người tiêu dùng Thái Lan tỏ ra rất quan tâm tới hàng Việt, đặc biệt là nông sản, thủy sản như bơ sáp Đà Lạt, thanh long, khoai lang giống Nhật Bản, cá ba sa… Hàng nông sản của Việt Nam cũng hút khách nhờ ưu thế về chất lượng, nguồn hàng và giá cạnh tranh. Đơn cử như mặt hàng khoai lang giống Nhật Bản có chất lượng cao, rất ngọt và giá tốt hơn nhiều so với khoai cùng loại nhập khẩu từ Nhật Bản. Ngoài ra, một ưu điểm khác nữa của nông sản Việt là tính đa dạng về địa hình, khí hậu như rau, củ, quả từ Đà Lạt, thủy sản từ Cần Thơ hay trái cây từ Bến Tre… Điều này giúp các đơn vị thu mua có thể tìm được nhiều nguồn hàng chỉ tại một quốc gia.
Cùng với MM Mega Market, Big C Việt Nam (thuộc Tập đoàn Central Group) cũng tích cực triển khai các chương trình xúc tiến xuất khẩu hàng hóa Việt sang chuỗi siêu thị Big C tại Thái Lan. Trong hệ thống Central Group tại Việt Nam còn có bộ phận "Central Global Sourcing Vietnam" - phụ trách thu mua và xuất khẩu hàng Việt Nam, có đối tác với 200 nhà cung cấp Việt Nam và xuất khẩu nông sản, hàng hóa Việt Nam ra một số thị trường như: Thái Lan, Pháp, Italia, Mỹ, khu vực Châu Phi… Bộ phận này không chỉ làm nhiệm vụ gom hàng, mà còn định hướng sản xuất cho nông dân để hàng hóa được thị trường chấp nhận.
Bà Lê Thị Mai Linh, Phó Chủ tịch Điều hành quan hệ đối ngoại và truyền thông Tập đoàn Central Group chia sẻ, từ tháng 10-2016, Central Group đã phát động phong trào hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam tham gia chương trình này sẽ được hỗ trợ về các thông tin thị trường, sản phẩm cũng như có những nhận biết để thích ứng với chiến lược sản phẩm, xây dựng thương hiệu tại thị trường trong nước. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội xuất khẩu. Trong năm 2018, ngoài việc quảng bá cho hàng hóa Việt Nam, Central Group còn hỗ trợ quảng bá về du lịch Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, từ nhiều năm nay, xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối hiện đại được coi là hình thức xuất khẩu hiệu quả, bền vững được nhiều doanh nghiệp theo đuổi.
Nâng cao vai trò chủ động của doanh nghiệp
Thực hiện đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và giao Bộ Công Thương chủ trì triển khai, Bộ Công Thương đã cùng với các bộ, ngành đẩy mạnh các hoạt động nhằm đưa hàng hóa của Việt Nam vào các kênh phân phối của các tập đoàn nước ngoài đang có đầu mối phân phối tại Việt Nam.
Nhận định về ưu điểm của hoạt động này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hàng hóa Việt Nam nếu đã được vào tiêu thụ ở bất cứ tập đoàn nào thì cũng sẽ được tiếp nhận và phân phối tiêu thụ ở tất cả hệ thống của tập đoàn đó trên toàn thế giới. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải bảo đảm cung cấp các loại hàng hóa có chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng được yêu cầu của các thị trường thông qua đó xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp và thương hiệu của Việt Nam.
Khẳng định tầm quan trọng của hoạt động này, bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội nhấn mạnh, đây là chương trình mới, khó, nên đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía. Đặc biệt, các cơ quan quản lý nhà nước đã sẵn sàng hỗ trợ, nhưng quan trọng hơn là sự vào cuộc của doanh nghiệp. Cái khó nhất hiện nay là thiếu đội ngũ doanh nghiệp đủ mạnh để tiếp cận hệ thống phân phối nước ngoài. Lực lượng doanh nghiệp của nước ta chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn ít, năng lực cạnh tranh còn kém. Với hàng rào kỹ thuật cao, nhiều quy định đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư lớn, nếu không có sự đầu tư và cam kết lâu dài, doanh nghiệp không thể đáp ứng được đầy đủ ngay tức khắc yêu cầu của nhà phân phối.
Cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, vai trò quan trọng nhất trong việc đưa hàng Việt Nam vào hệ thống phân phối nước ngoài là của doanh nghiệp. Do đó, Bộ Công Thương kêu gọi sự phối hợp và đồng hành từ doanh nghiệp, các nhà phân phối hiện đại nhằm tham gia và triển khai đề án một cách đồng bộ, cùng đem lại lợi ích cho các bên. Doanh nghiệp cần nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa; tìm hiểu thông tin thị trường; tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá, đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối nước ngoài ổn định và bền vững hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.