(HNMO) - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lý giải, việc làm này sẽ tạo điều kiện cho dự án hoà nhập lại với đời sống của cộng đồng kinh tế, có điều kiện khắc phục những tồn tại bền vững hơn.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. |
Theo lộ trình, trong năm 2018 và 2019, Ban chỉ đạo đề án sẽ xử lý tương đối toàn diện, triệt để những vấn đề tồn tại để kết thúc vào năm 2020.
Một số nguyên tắc lớn trong quá trình xử lý được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu ra là các giải pháp để giải quyết tồn tại phải nằm trong khuôn khổ luật pháp; bảo đảm đúng nguyên tắc thị trường, không tiếp tục trợ cấp hay cung cấp thêm vốn từ ngân sách nhà nước; bảo đảm nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các chủ đầu tư.
"Từ đầu nhiệm kỳ, những nội dung lớn đã được Chính phủ chỉ đạo và Bộ Công Thương làm đầu mối, đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành như: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp. Đến nay, về tiến độ, cơ bản đã được bảo đảm và đạt kết quả tương đối tích cực. Trong nhóm 6 dự án trước đây phải dừng kinh doanh vì thua lỗ, không có hiệu quả, đến nay có 2 dự án là DAP Hải Phòng và Thép Việt Trung đã hoạt động có lãi, bảo đảm các yêu cầu để Bộ báo cáo Chính phủ đưa ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ.
"Việc đưa ra khỏi danh sách không phải để lấy thành tích mà để tạo điều kiện cho dự án hoà nhập lại với đời sống của cộng đồng kinh tế, có điều kiện khắc phục tồn tại bền vững hơn. 4 dự án còn lại cũng đang từng bước khôi phục hoạt động, giảm lỗ và từng bước có lãi" - Bộ trưởng Bộ Công Thương nêu.
Bịt lỗ hổng cổ phần hoá để tránh thất thoát tài sản
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre thảo luận tại phiên họp ngày 27-10. |
Trước đó, đề cập đến vấn đề này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) trong phát biểu của mình đã thẳng thắn đề nghị: "Với tất cả những dự án này, dự án nào không tiếp tục thực hiện được đề nghị, phải cho phá sản. Còn dự án nào cổ phần hoá, thoái vốn, bán hoặc cho thuê được thì phải làm ngay, tránh tình trạng thất thoát cho nhà nước.
Đại biểu nêu, có dư luận cho rằng, có khả năng xuất hiện hiện tượng "để đấy" cho giảm bớt khấu hao tài sản vô hình và hữu hình để có thể mua rẻ lại tài sản của nhà nước, hoặc có hiện tượng "cài cắm" nhân cốt vào doanh nghiệp để thôn tính, gây nguy cơ tạo ra một số "Vũ Nhôm" khác. Đại biểu cho biết sẽ có báo cáo cụ thể để đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc.
Ví nền kinh tế nước ta hiện nay giống bức tranh đang đẹp, nhưng vẫn có những "vết nhám", đại biểu đoàn Bến Tre tập trung chỉ ra một số "vết nhám" để Quốc hội xem xét, thảo luận. Cụ thể, đó là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn thiếu minh bạch, chưa bảo đảm công bằng; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân còn vướng mắc, đặc biệt thiếu nguồn lực và nhiều rào cản, thủ tục đối với doanh nghiệp.
Trên cơ sở đó, đại biểu Nhưỡng đề nghị thực hiện một số giải pháp, như hoàn thiện thể chế, bịt lỗ hổng cổ phần hoá để tránh thất thoát tài sản nhà nước; tăng cường thanh tra kiểm toán, kiểm tra toàn bộ quá trình thu thuế phí và tăng cường hoạt động tư pháp, bởi đây là "bà đỡ" của nền kinh tế - xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.