Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đưa dịch vụ y tế chất lượng ngoại, giá nội đến với người dân Thủ đô

Thu Trang| 28/05/2017 07:05

(HNM) - Bước chân vào Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn), điều dễ nhận thấy nhất ở đây là một cơ ngơi hiện đại, khang trang, sạch sẽ mà nhiều cơ sở y tế mơ ước. Thay cho những gương mặt vô cảm, thái độ lạnh nhạt, những câu trả lời trống không là sự tiếp đón chu đáo, ân cần của đội ngũ cán bộ, bác sĩ của trung tâm.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bà Nguyễn Quỳnh Anh, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội đã chia sẻ về những kết quả sau 6 tháng đi vào hoạt động. 


Bà Nguyễn Quỳnh Anh.


Từng bước “giữ chân” người bệnh

- Tròn 6 tháng chính thức đi vào hoạt động (từ ngày 1-12-2016), bà có thể phác họa đôi nét về những bước khởi đầu của Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội?

- Dù mới hoạt động thời gian ngắn, nhưng Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội đã nhận được sự tin tưởng của người bệnh, thể hiện rõ nhất qua số lượt khám, điều trị nội trú tại đây tăng lên từng tháng. Tính từ tháng 12-2016 đến tháng 4-2017, Trung tâm đã khám, điều trị nội trú và phẫu thuật cho gần 6.000 lượt bệnh nhân. Trang thiết bị y tế của đơn vị hầu hết là công nghệ mới nhất thế giới, đồng bộ nên hỗ trợ hữu hiệu cho các bác sĩ từ tầm soát, phát hiện sớm và phòng ngừa bệnh tật đến chẩn đoán chính xác, can thiệp tối thiểu, điều trị hiệu quả.

- Có thực tế, dù ở trong nước không thiếu bác sĩ giỏi, thuốc tốt, thiết bị hiện đại nhưng nhiều người bệnh, nhất là bệnh nhân ung thư đã chi tiền tỷ ra nước ngoài khám, chữa bệnh. Và không ít người cho rằng, họ làm vậy là do thái độ phục vụ của bác sĩ nước ngoài nhẹ nhàng, ân cần hơn bác sĩ Việt Nam. Bà nghĩ sao về điều này?

- Điều kiện đi nước ngoài hiện rất dễ dàng, thông tin nhiều và có cả dịch vụ làm hết các thủ tục hỗ trợ nên số lượng bệnh nhân “chạy” ra nước ngoài khá nhiều. Tuy nhiên, chi phí khám, chữa bệnh ở nước ngoài có thể gấp 4 lần, thậm chí gấp 10 lần trong nước nên không phải ai cũng đủ điều kiện. Về kỹ thuật cao, máy móc, thiết bị phục vụ cho chẩn đoán, điều trị ở nước ngoài có, thì ở Việt Nam cũng có. Còn tay nghề của bác sĩ Việt Nam hiện không thua kém bác sĩ ngoại. Tuy nhiên, vấn đề còn lại lớn nhất mà không phải bệnh viện nào trong nước cũng làm được, đó là tổ chức khám, chữa bệnh sao cho thuận lợi và nhanh chóng nhất cho người bệnh.

- Vậy đánh giá một cách khách quan, Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội đã làm tròn vai để “giữ chân” người bệnh hay chưa?

- Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội đi vào hoạt động với tiêu chí để người Việt Nam được hưởng dịch vụ khám, chữa bệnh cao cấp theo tiêu chuẩn Châu Âu ngay tại Thủ đô. Đây cũng là mong muốn của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung sau khi tham quan dịch vụ y tế chất lượng cao tại Pháp. Với nhiệt huyết và sự quyết tâm của mình, Chủ tịch UBND thành phố đã trực tiếp kêu gọi các nhà tài trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế kỹ thuật cao cho Trung tâm như: Máy siêu âm Siemens S300; cộng hưởng từ MRI 3.0; hệ thống nội soi Exera III; hệ thống nội soi chẩn đoán ung thư sớm tiên tiến nhất thế giới… Ngoài ra, tại Trung tâm còn có thiết bị CT Scanner 384 - một trong 3 máy duy nhất hiện có tại Đông Nam Á - đi đầu trong phát hiện sớm bệnh lý hiện nay.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã thuyết phục được nhóm giáo sư hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tiêu hóa và chẩn đoán hình ảnh do Giáo sư Joel Leroy (chuyên gia người Pháp hàng đầu thế giới về phẫu thuật tiêu hóa) trực tiếp tư vấn và tham gia hoạt động chuyên môn tại Trung tâm. Để “giữ chân” người bệnh, chúng tôi cam kết cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng cao và luôn cố gắng để tạo một không gian thoải mái nhất với sự tiếp đón ân cần, cùng với quy trình khám, chữa bệnh chuyên nghiệp.

Vấn đề đạo đức nghề nghiệp của nhân viên y tế và sự hài lòng của bệnh nhân cũng luôn là mối quan tâm hàng đầu của Trung tâm. Với nguồn nhân lực dồi dào, được đào tạo bài bản cùng sự hợp tác của các chuyên gia trong nước, sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài, người bệnh hoàn toàn yên tâm và tin tưởng khi đến khám và điều trị tại đây.

- Với người dân có mức thu nhập bình thường, dù biết nơi đây đáp ứng tiêu chuẩn Châu Âu, song lại e ngại về chi phí khám, chữa bệnh?

- Tôi khẳng định, tất cả dịch vụ y tế tại đây đều cao cấp, nhưng chi phí lại rất bình dân. Hay nói cách khác, chúng tôi đang mang dịch vụ y tế chất lượng ngoại, giá nội đến với người dân Thủ đô. Mọi người dân đều có thể yên tâm đến đây khám, chữa bệnh. Mặt khác, dù đạt tiêu chuẩn Châu Âu, nhưng Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội vẫn tiếp nhận khám và điều trị cho bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế. Bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế khi đến đây sẽ được hưởng quyền lợi như khi khám tại các bệnh viện khác...

Đào tạo nguồn nhân lực và tầm soát bệnh ung thư

- Ngoài nhiệm vụ khám, chữa bệnh, Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội còn đảm nhận đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Y tế Thủ đô. Xin bà cho biết, công tác đào tạo ở đây diễn ra như thế nào?

- Không chỉ phấn đấu cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người bệnh, Trung tâm còn có nhiệm vụ chuyển giao các kỹ thuật hàng đầu thế giới và đào tạo đội ngũ y tế chất lượng cao cho Hà Nội. Thời gian qua, các lớp đào tạo liên tục được tổ chức, gồm: Đào tạo lý thuyết và thực hành trên thiết bị về quy trình quản lý, sử dụng và bảo quản vật tư trang thiết bị y tế; đào tạo thực nghiệm về phẫu thuật nội soi cơ bản; đào tạo về chuyên đề ung thư; phẫu thuật đại trực tràng và xâm lấn tối thiểu; chuyên đề nguyên tắc cơ bản trong phẫu thuật nội soi ổ bụng; chẩn đoán hình ảnh và ung thư tiêu hóa…

Tại đây cũng nhận được sự giúp đỡ của 9 chuyên gia Pháp đến hỗ trợ trong hoạt động chuyên môn, trong đó có 6 chuyên gia về phẫu thuật tiêu hóa và 3 chuyên gia chẩn đoán hình ảnh xương khớp. Nhóm chuyên gia này cùng với Giáo sư Joel Leroy không chỉ giúp khám, hội chẩn, phẫu thuật mà còn giúp Trung tâm trong hoạt động giảng dạy, đào tạo nguồn nhân lực. Thời gian tới, Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội sẽ đón thêm 13 chuyên gia y tế đến từ Pháp, Australia…

- Nhiệm vụ giúp ngành Y tế Thủ đô triển khai kế hoạch tầm soát ung thư đường tiêu hóa cho người dân từ 40 tuổi trở lên thì sao, thưa bà?

- Sứ mệnh của chúng tôi là tầm soát phát hiện sớm, chẩn đoán chính xác, điều trị hiệu quả và giáo dục kiến thức chăm sóc sức khỏe cho người dân Hà Nội và các tỉnh về bệnh lý tiêu hóa, nhất là bệnh ung thư. Thời gian qua, Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội đã phối hợp với trạm y tế 22 phường lấy hơn 22.000 mẫu sàng lọc ung thư đại trực tràng cho người dân theo đúng kế hoạch mà ngành Y tế Thủ đô đặt ra. Với những trường hợp có kết quả dương tính, bác sĩ đã đưa ra những hướng chăm sóc, điều trị cụ thể.

- Theo bà, tỷ lệ người bệnh ung thư ở nước ta tử vong cao có nguyên nhân do người dân chưa quen đi khám bệnh định kỳ, thường đến viện khi đã ở giai đoạn nặng?

- Đúng vậy! Thời gian qua, Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội đã thực hiện hơn 1.600 ca nội soi, phẫu thuật 40 trường hợp ung thư (chủ yếu là ung thư dạ dày và đại trực tràng). Muốn việc điều trị có kết quả thì bệnh ung thư phải được phát hiện và chẩn đoán sớm. Việc chẩn đoán sớm ung thư giúp việc chữa trị đạt hiệu quả và giảm chi phí điều trị. Thế nhưng, trên thực tế, hầu hết các trường hợp ung thư đến đây khi đã ở giai đoạn muộn. Với bệnh ung thư, đa số ở giai đoạn đầu không gây triệu chứng. Chỉ khi khối u phát triển lớn, lây lan hoặc chèn ép các cơ quan khác, các triệu chứng mới rõ ràng. Hơn nữa, các biểu hiện thường gặp ở người bệnh ung thư như: Chán ăn, giảm cân, sốt, thiếu máu, ho dai dẳng, khó thở… thường giống với các triệu chứng của các bệnh thông thường khác. Do đó, người bệnh thường chủ quan không đi khám sớm.

- Để phòng bệnh ung thư nói chung và ung thư đường tiêu hóa nói riêng, bà có lời khuyên gì đối với người dân?

- Để phòng bệnh, đòi hỏi phải có một chế độ dinh dưỡng hợp lý và an toàn. Nhiều nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn uống không an toàn là nguyên nhân chiếm hơn 30% trường hợp ung thư. Đặc biệt, nên từ bỏ việc hút thuốc lá, vì đây là nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư phổi. Ngoài ra, mỗi người cần có chế độ tập thể dục, thể thao đều đặn, giữ cân nặng ở mức lý tưởng giúp phòng, chống không chỉ bệnh ung thư, mà còn nhiều bệnh khác.

Một việc cần làm nữa để phòng bệnh, đó là mỗi người nên tạo thói quen khám sức khỏe định kỳ, ít nhất 1 lần/năm. Riêng đối với ung thư đường tiêu hóa, việc sàng lọc, phát hiện sớm có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Một số bệnh nhân chủ động thăm khám tại Trung tâm nên đã phát hiện bệnh từ rất sớm, thậm chí từ khi bệnh chưa có những biểu hiện ra bên ngoài và vì thế cơ hội chữa khỏi cũng cao hơn. Ngoài ra, cần phòng một số nhiễm trùng, vi rút, vi khuẩn. Đơn cử, vi rút viêm gan B là nguyên nhân gây ung thư gan nguyên phát. Vi rút gây u nhú ở người - HPV cũng là nguyên nhân gây ra 70% ung thư cổ tử cung. Để phòng bệnh cần tiêm vắc xin phòng viêm gan B, vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung…

- Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đưa dịch vụ y tế chất lượng ngoại, giá nội đến với người dân Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.