(HNM) - Đất phương Nam, miền đất mới chỉ nghe tên đã thấy cả một trời nước mênh mang, kênh rạch chằng chịt. Sông nước xứ này sản sinh ra biết bao loại địa hình có tên gọi kỳ lạ như kênh, rạch, xẻo, ngọn, đìa, hào, láng, bưng, ngành, vịnh… thì cũng hình thành bấy nhiêu hoạt động của con nước, như nước ròng, nước đứng, nước rặc, nước nổi, nước chụp, nước ngược, nước xuôi…
Cũng do đặc điểm sông nước ấy mà chiếc điện thoại khó đến với người dân. Chiếc điện thoại cố định không dây của EVNTelecom được đưa ra thị trường cùng với việc cấp điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt như luồng ánh sáng văn minh làm thay đổi cuộc sống của người dân nơi vùng sâu, vùng xa miền sông nước ấy...
EVN đã đưa điện thoại cố định không dây đến vùng sông nước miền Tây Nam bộ.
Còn nhớ năm 2001, khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được ngành chức năng cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông công cộng, lúc bấy giờ vẫn còn ít người biết đến EVNTelecom. Cho đến khi EVNTelecom chính thức kinh doanh dịch vụ viễn thông công cộng với chiếc điện thoại cố định không dây thì không chỉ ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các thành phố lớn khác biết đến mà cả những nơi hẻo lánh như vùng sơn cước phía Bắc, vùng sông nước miền Tây Nam bộ cũng biết ngành điện không chỉ cung cấp điện thắp sáng, mà cung cấp cả điện thoại cố định. Sự hiện diện của chiếc điện thoại cố định không dây mang thương hiệu EVNTelecom vào thời điểm năm 2007 không chỉ khẳng định sự thành công bước đầu trong kinh doanh viễn thông của EVN, mà còn đánh một mốc quan trọng đối với thị trường viễn thông công cộng nói chung. Từ năm 2007, EVNTelecom lần lượt đón chào thuê bao thứ 1 triệu, rồi 2 triệu, đến năm 2008 đã có gần 4 triệu và năm 2009 là 4,2 triệu; trong đó khách hàng thuê bao điện thoại cố định không dây chiếm 65%.
Chúng tôi có mặt ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vào những ngày cuối năm 2009. Tuy bộn bề công việc, nhưng Phó Bí thư Đảng ủy xã Lương Hòa, huyện Châu Thành (tỉnh Trà Vinh) Sơn Thái Cang vẫn đưa chúng tôi đến ấp Botchéch. Người dân xã này cũng như nhiều địa phương khác ở ĐBSCL sống nhờ vào cây lúa. Nhờ trời, hai năm nay vừa được mùa, vừa được giá nên đi đến đâu cũng thấy bà con nông dân vui vẻ. Bà Kim Thị Phuôl vừa ngồi đung đưa trên chiếc võng, vừa tiếp khách với gương mặt tươi tỉnh, cho biết: Năm 2007, khi anh em công nhân điện đưa đến tặng chiếc điện thoại không có dây mà vẫn nói chuyện được, chúng tôi ngỡ như nằm mơ.
Chúng tôi đến Sóc Trăng khi nắng chiều rớt xuống mặt sông Hậu làm thành những đốm sáng chói chang. Con lộ dẫn đến ấp Hòa Đông A, xã Phú Lâm, huyện Châu Thành trông mảnh dẻ giữa mênh mông đồng nước. Tôi đang mải nghĩ, tại sao ở một vùng giao thông khó khăn như vậy, chỉ có một đơn vị mà đạt được gần 90.000 thuê bao điện thoại, lũy kế thu phát sinh đạt 95,68%, thì bà Lương Xinh, người đã dùng điện thoại cố định không dây của EVNTelecom từ năm 2006 cho biết: Tôi có 6 người con đều làm việc xa nhà. Nhiều năm trước chúng tôi vẫn mơ ước trong nhà có một chiếc điện thoại, nhưng sông nước cách trở nên "nhà mạng" không kéo được dây. Đến khi anh em công nhân điện lực tặng chiếc điện thoại này, tôi giữ gìn như vật quý trong nhà. Bởi, gia đình tôi biết được các cháu đang sống, làm việc bình yên, các con tôi lại biết được tình hình sức khỏe của ba mẹ mình. Họ hàng, anh em gần gũi nhau hơn do liên lạc thường xuyên. Gia đình bà Lý Thị Huôn ở ấp Thọ Hòa Đông A cũng vậy, muốn mua cây trái để đem ra chợ bán cũng không phải vất vả đi lại như trước, chỉ cần "a lô" cho các "nhà vườn" là có ngay...
EVNTelecom đang vào guồng chuẩn bị cho cơ sở hạ tầng bảo đảm công nghệ tối ưu để đạt được chất lượng dịch vụ tốt nhất có thể. Theo đó, tháng 2-2010 sẽ lắp đặt xong hệ thống, dự kiến chính thức cung cấp dịch vụ trước quý II-2010. Việc áp dụng 3G sẽ mang lại sức bật mới cho mạng di động của EVNTelecom.
Có điện, có điện thoại, có những cây cầu, người dân miền Tây bớt đi bao nhọc nhằn trong cuộc sống. Khi tôi bắt đầu bài biết này, ở miền Tây đã có những luồng gió chướng tạt về. Nước từ các triền sông đang rút nhanh. Tết Nguyên đán Canh Dần đang đến gần.