Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự thảo Luật Trồng trọt: Chưa giải quyết được nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra

Bảo Hân - Ảnh: Như Ý| 23/05/2018 17:11

(HNMO) - Chiều 23-5, thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Trồng trọt, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng dự thảo tập trung nhiều vào khái niệm, thuật ngữ mang tính khoa học kỹ thuật chuyên ngành chứ chưa giải quyết được các vấn đề thực tiễn đặt ra.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu.


Theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu, đây là đạo luật tác động đến khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhưng cách trình bày của dự thảo chưa có sự gần gũi. Cụ thể, các thuật ngữ đề cập trong dự thảo luật không sai nhưng chưa tới được đời sống. Luật tập trung nhiều vào khái niệm, thuật ngữ mang tính khoa học kỹ thuật chuyên ngành chứ chưa giải quyết được các vấn đề thực tiễn đặt ra, giúp người nông dân tiếp cận được giống, phân bón... an toàn.

Ngoài ra, dự thảo luật cần quy định nghiêm ngặt, chặt chẽ việc đưa các loại giống, phân bón nước ngoài vào Việt Nam và kể cả đưa giống tốt ở Việt Nam ra nước ngoài; có chính sách khuyến khích viện nghiên cứu, cá nhân nghiên cứu, lai tạo giống mới bởi thực trạng nghiên cứu, lai tạo giống mới ở nước ta hiện còn kém so với yêu cầu của một nước nông nghiệp.


Đại biểu Nguyễn Thị Lan.


Cùng tổ Hà Nội, đại biểu Nguyễn Thị Lannhận định dự thảo Luật có cấu trúc phù hợp, gồm 7 chương và 82 điều. Các nội dung được quy định khá rõ về giống, phân bón, canh tác, thu hoạch, mua bán, chế biến, bảo quản, xuất khẩu... Tuy nhiên, một trong những nguyên liệu đầu vào quan trọng của trồng trọt ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm là nước, nguồn nước, thuốc bảo vệ thực vật thì chưa được đề cập nhiều.

Tương tự, mảng quản lý, chế biến, xuất/nhập khẩu phụ phẩm trồng trọt cũng chưa có. Ngoài ra, một trong những lĩnh vực sôi động và chiếm phần lớn giá trị trong kim ngạch xuất khẩu nông sản quốc tế, trong đó vướng mắc quan trọng là sự quản lý logistics, logistics với những sản phẩm trồng trọt cũng cần được quy định cụ thể hơn.

Cùng đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Trồng trọt, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh) cho rằng dự thảo Luật chưa đề cập đến các vấn đề an toàn thực phẩm, như việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vô tội vạ. Nên có một số quy định trong luật để quản lý chặt, đồng bộ, không chỉ với phân bón, mà cả thuốc bảo vệ thực vật.

"Chúng ta có kiểm tra, kiểm soát không hay người dân muốn dùng bao nhiêu thì dùng, cứ có nhu cầu là nhập về? Những sản phẩm này về lâu về dài rất có hại đến môi trường, hại nguồn nước. Đặc biệt, nhiều loại thế giới hạn chế, không sử dụng mà chúng ta vẫn dùng. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang đi tìm đất để làm sản phẩm hữu cơ, không hại đến đất, không đụng đến hóa chất. Nhưng tìm được miếng đất đủ sạch, không bị dư lượng hóa chất là cả một vấn đề" - đại biểu Lan nêu thực trạng.

Đại biểu kiến nghị phải có biện pháp quyết liệt chống phân bón giả. Quy định trong dự thảo chưa đủ sức mang tính răn đe khi chỉ mới kêu gọi chung chung, dẫn đến việc phân bón giả vẫn được nhập về mà không có sự kiểm soát.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng phải đặt vấn đề giúp người nông dân không tự nuôi trồng tự phát, dẫn đến khủng hoảng thừa và các cuộc "giải cứu" nông sản.


Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP Hồ Chí Minh).


Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP Hồ Chí Minh) cũng nêu thực trạng là hiện người dân hoàn toàn thụ động trước tình trạng phân bón kém chất lượng được quảng cáo trên thị trường.

Ngoài ra, chưa thấy dự thảo quy định người nông dân được gì nếu thực hiện đúng những quy định trong luật này hay không có nội dung khuyến khích người dân cải tạo, sử dụng các khu vực đất trống không tốt, đưa các loại giống phù hợp về trồng.

* Trước đó, cũng trong chiều cùng ngày, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch cùng báo cáo thẩm tra dự án Luật từ Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Luật Trồng trọt: Chưa giải quyết được nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.