(HNM) - Đời sống người khuyết tật (NKT) đang là vấn đề xã hội quan trọng ở Việt Nam. Nhà nước đã có nhiều chính sách chăm sóc và hỗ trợ, tạo điều kiện bảo đảm các quyền và lợi ích của NKT vươn lên như những người bình thường.
Học sinh khuyết tật trí tuệ thuộc Trung tâm Phúc Tuệ (Hà Nội) đang hoàn thiện tranh ghép bằng tăm.
Tuy nhiên, trên thực tế, các văn bản pháp luật đã bộc lộ một số hạn chế, nhiều quy định chưa được thực hiện, hoặc thực hiện chưa đầy đủ. Một bộ phận NKT gặp khó khăn chưa được hỗ trợ, một số NKT có nhu cầu chỉnh hình - phục hồi chức năng chưa được đáp ứng, thiếu trường, lớp chuyên biệt… Thực tế này đòi hỏi Luật Người tàn tật ra đời, thay thế cho Pháp lệnh Người tàn tật (thực thi từ năm 1998).
Theo lộ trình, từ tháng 3-2008, việc xây dựng Luật Người tàn tật đã khởi động. Nhưng đến đầu tháng 10, tại Hội thảo xây dựng Luật Người tàn tật, lần đầu tiên, NKT được tiếp xúc với văn bản Luật. Ông Nguyễn Trung (Ủy viên Ban Chấp hành Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội) vì đến hội thảo muộn nên phải đọc ké văn bản luật với người khác, đã tỏ ra bức xúc: “Đây là lần đầu tiên, NKT chúng tôi tiếp xúc với văn bản luật. Ban tổ chức mời chúng tôi tới để góp ý, nhưng vừa đọc vừa góp ý, thì biết góp như thế nào? Hơn nữa, mới nhìn lướt qua, đã thấy luật có quá nhiều khoảng trống, phụ nữ khuyết tật, trẻ em khuyết tật, NKT trí tuệ, quỹ việc làm cho NKT đều chưa được đề cập tới. Sự thiếu hụt này chứng tỏ NKT không hề được tham gia trong quá trình xây dựng luật. Luật cho NKT do người không khuyết tật xây dựng nên không thể bảo đảm quyền lợi của NKT”. Ông Lưu Đình Tú, thành viên Nhóm khuyết tật Tương lai tươi sáng, cho rằng: “Việc xây dựng Luật Người tàn tật là một bước tiến vượt bậc đối với NKT Việt
Cùng chung mục đích xây dựng để Luật Người tàn tật hoàn chỉnh hơn, bà Nguyễn Hồng Oanh, Chủ nhiệm CLB Phụ nữ khuyết tật Hòa nhập của Hà Nội cho rằng: “Luật nên cụ thể hơn, quy định rõ ràng về quyền lợi của phụ nữ khuyết tật khi sinh con, nhất là phụ nữ khuyết tật đơn thân, sinh con một mình, nên hỗ trợ cho họ nuôi con đến khi 18 tuổi”. Theo bà, phụ nữ khuyết tật có quyền mưu cầu hạnh phúc, nhưng vì khuyết tật, họ không có khả năng lo toan cuộc sống của bản thân và con cái, Nhà nước cần hỗ trợ, cứu giúp đứa trẻ được nuôi dưỡng và học hành. Bà Bùi Yến Thủy (Hội Cha mẹ trẻ em khuyết tật trí tuệ, Trung tâm Sao Mai) bức xúc: “Luật không có dòng nào đề cập tới trẻ em khuyết tật trí tuệ. Trong khi đó, gia đình có trẻ khuyết tật trí tuệ phải dành riêng một lao động để chăm sóc đứa trẻ đó. Hiện tại, cả nước chưa có cơ sở công lập giáo dục, chăm sóc dành riêng cho trẻ em khuyết tật trí tuệ. Tại Trung tâm Sao Mai (tổ chức phi chính phủ), học phí, phí trị liệu, tiền thuốc… khoảng gần 2 triệu đồng/tháng/cháu. Chi phí cao, lao động thiếu, gia đình có trẻ khuyết tật trí tuệ rất cần sự hỗ trợ của xã hội. Hơn nữa, Trung tâm Sao Mai chỉnhận trẻ dưới 16 tuổi. Trên 16 tuổi, các cháu sẽ đi đâu? Trẻ khuyết tật trí tuệ bị tật vĩnh viễn, không thể chữa trị, khi bố mẹ chúng mất, ai sẽ bảo đảm cuộc sống cho chúng? Trong khi đó, không có cơ sở công lập dành riêng, trẻ khuyết tật trí tuệ không thể bảo đảm quyền được đến trường, được chăm sóc, hỗ trợ trong cuộc sống? Điều này rất cần được bổ sung trong luật”.
Đa số người khuyết tật cùng chung ý kiến: Không nên dành riêng một điều (Điều 37 Dự thảo Luật Người tàn tật) cho Quỹ việc làm người tàn tật. Bởi nếu dành riêng một điều như vậy, vô hình trung, NKT đã trở thành gánh nặng cho các doanh nghiệp, xã hội. NKT là một bộ phận của xã hội, các quy định bảo đảm việclàm, hỗ trợ cơ sở - doanh nghiệp của NKT nên đưa vào Quỹ hỗ trợ việc làm chung. Điều này sẽ vừa bảo đảm quyền lợi của NKT, vừa bảo đảm quyền bình đẳng của NKT.
Điều đáng lưu ý hơn, Dự thảo Luật Người tàn tật chưa có chế tài cụ thể. Đối với các trường hợp vi phạm luật (một số lái và phụ xe buýt ở TP. Hồ Chí Minh kỳ thị với học sinh khiếm thính đi xe buýt bằng thẻ miễn phí, liên tục bỏ bến, từ chối phục vụ các cháu lên và xuống khi đến điểm đỗ) sẽ được xử lý như thế nào? Vì vậy, NKT kiến nghị luật cần có chế tài đầy đủ và nghiêm khắc thì mới được thực thi có hiệu quả.
Theo kế hoạch xây dựng Luật Người tàn tật, từ nay đến khi hoàn thiện luật để trình Chính phủ, chỉ còn hơn 6 tháng. Trong khi đó, số lượng NKT được tiếp xúc, đọc và góp ý vào văn bản luật chỉ đếm trên đầu ngón tay. Với thái độ chủ quan, áp đặt của Ban tổ chức xây dựng luật như hiện nay, liệu Luật Người tàn tật có thực sự “bảo đảm tính hiện đại và tiên tiến”, “tôn trọng quyền của người tàn tật” như nguyên tắc xây dựng luật và phù hợp với Công ước quốc tế về Quyền của NKT mà Việt Nam đã ký kết?
Linh Chi
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.