Lao động - Việc làm

Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi): Bảo đảm nguồn lực chăm lo cho người lao động

Hà Phong 23/06/2024 - 06:31

Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) quy định, kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Đây cũng là nội dung đang nhận được sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là công nhân, tổ chức Công đoàn cơ sở.

lanh-dao-tong-lien-doan-lao-dong-viet-nam-va-thanh-pho-ha-noi-trao-qua-tang-nguoi-lao-dong-nhan-dip-thang-cong-nhan-nam-2024..jpg
Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và thành phố Hà Nội trao quà tặng người lao động nhân dịp Tháng Công nhân năm 2024.

Duy trì nguồn thu kinh phí công đoàn 2%

Tổng kết thực hiện Luật Công đoàn 2012 cho thấy, trong nguồn tài chính công đoàn, thu đoàn phí công đoàn chiếm từ 25 đến 27%; thu kinh phí công đoàn chiếm 57-64%; thu khác chiếm 11-16%; ngân sách nhà nước hỗ trợ thông qua các chương trình, dự án, hoạt động chỉ chiếm khoảng 1%.

Trong khi đó, tỷ trọng chi tài chính công đoàn được tập trung cho công đoàn cơ sở (chiếm khoảng 75%) để chăm lo tốt hơn phúc lợi cho người lao động. Tính trong phân phối các nội dung chi, nguồn kinh phí công đoàn cơ bản dành cho phúc lợi, chăm lo, đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng cho đoàn viên và người lao động, chiếm 84,14% tổng số chi.

Từ căn cứ nêu trên, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) quy định: Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động nhằm bảo đảm cho Công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và có tích lũy xử lý các tình huống đặc biệt (như hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch; bị mất việc làm hàng loạt do doanh nghiệp thiếu đơn hàng hay bị tác động bởi thiên tai...).

Cùng với đó, Ban soạn thảo bổ sung quy định tạm dừng, miễn, giảm đóng kinh phí hoạt động công đoàn đối với tổ chức, doanh nghiệp gặp khó khăn để bảo đảm khi các đơn vị không may gặp sự cố bất khả kháng sẽ được tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể phục hồi sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ người lao động.

So với luật hiện hành, quyền và trách nhiệm giám sát của Công đoàn được tách thành một điều riêng. Theo đó, Công đoàn không chỉ “tham gia, phối hợp” với Mặt trận Tổ quốc các cấp và cơ quan nhà nước mà còn có quyền chủ động thực hiện giám sát nhằm khẳng định rõ hơn vai trò của Công đoàn trong hoạt động giám sát xã hội.

Nguồn lực chăm lo người lao động

Đón nhận thông tin trên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa Võ Mạnh Sơn bày tỏ đồng thuận cao. Theo ông Võ Mạnh Sơn, về bản chất nguồn thu kinh phí 2% là đóng góp của đơn vị sử dụng lao động cho tổ chức và hoạt động của Công đoàn nhằm bảo đảm cho Công đoàn thực hiện tốt nghĩa vụ chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động. Đồng thời, cũng để bảo đảm vai trò của Công đoàn trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ; tuyên truyền, vận động người lao động thực hiện tốt nhiệm vụ, thi đua lao động sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định và phát triển các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Ủng hộ tiếp tục duy trì mức thu kinh phí công đoàn như hiện nay, chị Hoàng Thị Hoài, công nhân Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai (Hà Nội) nhìn nhận, nguồn kinh phí công đoàn mặc dù làm tăng chi phí doanh nghiệp nhưng mang lại lợi ích cho người lao động và cả người sử dụng lao động. Tại doanh nghiệp nhiều năm qua, công nhân được hưởng chế độ khi ốm đau, được lĩnh quà các dịp lễ, Tết... Tiếp tục triển khai theo hướng này, sẽ thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Để ngày càng có nhiều người lao động được thụ hưởng sự chăm lo của tổ chức Công đoàn, bảo đảm tính hiệu quả và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, cũng cần bổ sung biện pháp, chế tài đối với các doanh nghiệp cản trở, trì hoãn việc thành lập Công đoàn. Người sử dụng lao động không chỉ tạo điều kiện, mà phải có trách nhiệm chủ động cùng với Công đoàn để vận động phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp của mình.

Từ kinh nghiệm thực tiễn từng là Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho rằng, cán bộ công đoàn cơ sở đều hưởng lương từ doanh nghiệp, luôn chịu sức ép từ người sử dụng lao động, điều này rất khó tạo ra sự bình đẳng trong hoạt động. Cần thiết phải cụ thể hóa cơ chế này bằng pháp luật để Công đoàn độc lập hơn với người sử dụng lao động. Công đoàn phải độc lập về tổ chức, chủ động về tài chính thì mới bảo vệ được quyền lợi chính đáng của người lao động.

Bên cạnh đó cần có chính sách bảo vệ cán bộ công đoàn hữu hiệu, tạo được động lực cho cán bộ công đoàn toàn tâm, toàn ý thực hiện nhiệm vụ. Đây là điều kiện tiên quyết để Công đoàn chủ động, độc lập hơn trong tổ chức và hoạt động tại cơ sở. Tuy nhiên, nên giao cho Chính phủ thống nhất quy định cụ thể về công tác thu, quản lý, sử dụng nguồn tài chính công đoàn. Việc này sẽ giúp cho công tác quản lý nhà nước về tài chính công đoàn minh bạch, chặt chẽ và hiệu quả hơn, tránh được thất thoát, lãng phí. Đồng thời cũng khắc phục được tình trạng chủ doanh nghiệp can thiệp quá sâu vào hoạt động thu, chi tài chính của Công đoàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi): Bảo đảm nguồn lực chăm lo cho người lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.