Xã hội

Nhiều ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) và dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản

Thu Hằng 10/05/2024 15:34

Ngày 10-5, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Hà Nội tổ chức hội thảo “Đóng góp ý kiến dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản”.

a.jpg
Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Thu Hằng

Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) gồm 6 chương, 36 điều (trong đó sửa đổi, bổ sung 28 điều; giữ nguyên 5 điều; thêm mới 4 điều; bỏ 1 điều so với Luật Công đoàn năm 2012).

Dự thảo bổ sung một số nội dung về chức năng, quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Trong đó, nhấn mạnh trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức đơn vị, doanh nghiệp đối với công đoàn; cụ thể hóa thêm các hành vi bị nghiêm cấm như phân biệt, đối xử với người lao động, cán bộ công đoàn vì lý do thành lập, gia nhập hoặc hoạt động công đoàn; bổ sung các quy định về quyền giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn; hoàn thiện một số quy định về cơ chế tài chính, pháp luật công đoàn... để bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong bối cảnh mới.

Theo Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung đối tượng “Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã” vì hiện nay, Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã sử dụng nhiều lao động, cần có một tổ chức đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; bổ sung đối tượng cá nhân có sử dụng lao động vì đối tượng này có khá nhiều trong thực tế.

d(1).jpg
TS. Nguyễn Huy Khoa, Phó trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Công đoàn phát biểu. Ảnh: Thu Hằng.

TS. Nguyễn Huy Khoa, Phó trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Công đoàn cũng đề nghị Dự thảo Luật quy định cụ thể hơn hành vi bị nghiêm cấm về "cản trở, gây khó khăn trong việc thực hiện quyền công đoàn” để thuận lợi cho việc áp dụng trên thực tế. Ông cũng đề nghị bổ sung nội dung trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định với tư cách là một tổ chức chính trị - xã hội.

Về dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, TS. Nguyễn Ngọc Bích – Trưởng Khoa Pháp luật hành chính, Trường Đại học Luật Hà Nội, đề nghị bổ sung định nghĩa về đóng cửa mỏ để xác định rõ ràng, minh bạch hơn những hoạt động mà tổ chức, cá nhân phải thực hiện khi đóng cửa mỏ.

Với hơn 30 năm kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu khoa học, trực tiếp thực hiện nhiều đề án thăm dò, cấp phép khai thác khoáng sản, PGS.TS Lương Quang Khang (Trường Đại học Mỏ - Địa chất) nhận xét: Với 12 chương, 117 điều, dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản được xây dựng công phu, cơ bản đồng bộ với các pháp luật liên quan, có tính khả thi, thúc đẩy đầu tư, xã hội hóa đi đôi với tăng cường bảo vệ, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên địa chất, khoáng sản gắn với yêu cầu phân công, phân cấp rõ ràng, minh bạch; cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, hiệu quả.

c1.jpg
Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Thanh phát biểu kết luận hội thảo. Ảnh: Thu Hằng.

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Thanh đánh giá cao các ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu và cho biết sẽ tổng hợp để gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật trình Quốc hội xem xét.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) và dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.