Đó là ý kiến đề xuất của không ít đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) ngày 8-6.
Ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam (đại biểu Quốc hội Đoàn Ninh Thuận) cho biết: “Hiện nay, về kinh phí công đoàn, chúng tôi để lại dưới công đoàn cơ sở 75% để trực tiếp chăm lo cho đoàn viên, người lao động. Còn lại 25% phân phối cho 3 cấp công đoàn, gồm cấp trên trực tiếp cơ sở, cấp tỉnh và cấp Trung ương”.
Theo người đứng đầu tổ chức Công đoàn Việt Nam, lương bình quân công nhân toàn quốc khoảng 8,2 triệu đồng/tháng, làm tròn cả năm khoảng 100 triệu đồng. Với mức đóng kinh phí công đoàn 2%, mỗi công nhân sẽ đóng khoảng 2 triệu đồng. Nguồn thu kinh phí 2% nhằm bảo đảm cho công đoàn thực hiện tốt trách nhiệm chăm lo cho người lao động, đồng thời cũng để đảm bảo vai trò của công đoàn trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.
“Chúng tôi để lại trực tiếp ở công đoàn cơ sở 75%, tức là khoảng 1,5 triệu đồng cho một người lao động”, ông Nguyễn Đình Khang nói và cho biết, số tiền này chi vào việc thăm hỏi ốm đau, quà Tết, sinh nhật, tổ chức các hoạt động phong trào tại công đoàn cơ sở. Còn có một chút tích lũy ở cấp tỉnh và Trung ương từ năm 1957 đến nay thì đề xuất dùng vào việc xây nhà ở xã hội, cũng là một trong những nhiệm vụ chăm lo cho đoàn viên, người lao động. Sau này, Chính phủ sẽ có nghị định hướng dẫn cụ thể.
Về việc phân phối kinh phí công đoàn, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất 2 phương án: Một là, giao Chính phủ quy định chi tiết; hai là, quy định cụ thể tỷ lệ phân phối kinh phí công đoàn theo tỷ lệ 75% - 25% như hiện nay. Đồng tình với đề xuất này, bà Bùi Huyền Mai (đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Nội) tại buổi thảo luận tổ cho rằng cần tiếp tục giữ nguyên mức thu kinh phí công đoàn theo phương án duy trì mức đóng 2%.
Đại biểu Bùi Huyền Mai cho rằng, việc quy định như vậy hoàn toàn phù hợp với các quy định hiện hành cũng như thực tế về vai trò của tổ chức công đoàn hiện nay đang ngày càng đáp ứng được yêu cầu của người lao động.
Hoàn toàn ủng hộ mức đóng kinh phí công đoàn 2%, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nếu không duy trì quy định đóng kinh phí công đoàn 2%, có nghĩa công đoàn sẽ phải tính đến một nguồn lực khác để nhận hỗ trợ.
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy cho biết, có hiệp hội, doanh nghiệp than thở rằng, doanh nghiệp đang khó khăn, phải đóng thêm 2% kinh phí công đoàn thì quá tốn kém. Phản biện lại quan điểm này, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy dẫn chứng, nếu nhìn lại quá trình gần 3 năm chống chọi với đại dịch Covid-19 thì số tiền công đoàn bỏ ra để cùng với doanh nghiệp, Nhà nước chăm lo và hỗ trợ cho người lao động tại chính những đơn vị này là rất lớn.
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy dẫn chứng tại thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian dịch Covid-19, tổ chức công đoàn đã chi 400-500 tỷ đồng để chăm lo cho công đoàn viên và người lao động, kể cả nhóm công đoàn viên bị mất việc, doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch bệnh và giãn, giảm không có việc làm.
"Do đó, việc duy trì mức đóng kinh phí công đoàn 2% là hợp lý và đảm bảo đủ điều kiện nhằm tiếp tục cơ chế, chính sách để công đoàn cùng với Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương chăm lo cho người lao động tại các đơn vị, địa phương" - bà Thúy nêu quan điểm.
Theo kết quả nghiên cứu của Tổng LĐLĐ Việt Nam, kinh phí công đoàn chiếm tỷ trọng nhỏ trong chi phí của doanh nghiệp (trung bình khoảng 0,38%). Do vậy, mặc dù làm tăng chi phí doanh nghiệp, nhưng về tổng thể, mức đóng 2% vẫn nằm trong phạm vi chấp nhận được đối với sức chịu đựng của các tổ chức, doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.