(HNM) - Hôm nay, 11-3, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII tổ chức Hội nghị lần thứ ba họp bàn về nhiều nội dung quan trọng, đặc biệt là xem xét, thông qua 10 chương trình công tác toàn khóa. Để chuẩn bị cho việc này, dự thảo 10 chương trình đều đã được xây dựng công phu, kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng, chứa đựng tinh thần đổi mới và hành động.
Công phu, kỹ lưỡng
Ngày 2-11-2020, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội. Theo đó, Thành ủy Hà Nội xác định 10 chương trình công tác nhằm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Nghị quyết. Với quyết tâm ban hành 10 chương trình ngay trong quý I-2021, hàng trăm đầu việc đã được Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy chỉ đạo, tổ chức thực hiện như: Thành lập 10 Ban Chỉ đạo chương trình, phân công cơ quan thường trực, cho ý kiến về đề cương chi tiết, về dự thảo chương trình...
Theo Chánh Văn phòng Thành ủy Hà Nội Trần Anh Tuấn, các Ban Chỉ đạo, cơ quan thường trực, tổ công tác giúp việc đã tiến hành các phần việc rất cụ thể. Chỉ riêng phần tập hợp tài liệu làm căn cứ xây dựng dự thảo chương trình đã thể hiện sự công phu, kỹ lưỡng; không chỉ dựa trên kết quả của các đề tài nghiên cứu theo chương trình khoa học trọng điểm, các báo cáo kết quả thực hiện chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa XVI, mà còn tiếp tục nghiên cứu thực tiễn, bám sát văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội...
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Trần Ngọc Nam, thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU về “Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025” cho biết, đã tổ chức 5 vòng xin ý kiến để rà soát tất cả các nội dung, hoàn thiện đề cương chi tiết... Còn theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong, thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025”, để dự thảo chương trình bám sát nhiệm vụ từng cấp, ngành, thực tiễn ở cơ sở, ngoài việc lấy ý kiến bằng văn bản của các sở, ban, ngành, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo còn tham khảo ý kiến thị xã Sơn Tây và 5 huyện sẽ phát triển thành quận đến năm 2025.
“Để đi đến bước cuối cùng là trình ra Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố xem xét, thông qua, từng dự thảo chương trình đã trải qua hàng chục bước xây dựng, từ khởi đầu là đề cương, rồi đề cương chi tiết đến các dự thảo, lấy ý kiến Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy... Nhiều chương trình, Ban Chỉ đạo tổ chức hội thảo xin ý kiến hội đồng khoa học, tham vấn chuyên gia...”, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai cho biết.
Đến nay, dự thảo 10 chương trình công tác đã được hoàn thiện để trình Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố xem xét, thông qua, sớm hơn tiến độ dự kiến gần 20 ngày.
Bảo đảm triển khai được ngay
Thực hiện yêu cầu của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ, dự thảo 10 chương trình công tác đã được xây dựng trên tinh thần là tránh sao chép lại Nghị quyết, mà tập trung cụ thể hóa, bảo đảm tính hành động. Nghĩa là, sau khi ban hành, chương trình có thể triển khai tổ chức thực hiện được ngay.
Là chương trình được Ban Thường vụ Thành ủy thông qua dự thảo sớm nhất, Chương trình số 01-CTr/TU về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025” thể hiện rõ nét mới là tính hành động. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo chia sẻ: “Các nội dung từ mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu đến nhiệm vụ, giải pháp đều rất cụ thể, rõ hướng triển khai”.
Cũng với tinh thần đó, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Trần Ngọc Nam cho biết, với dự thảo Chương trình số 02-CTr/TU, Ban Chỉ đạo chương trình xác định được 108 nhiệm vụ, kế hoạch, đề án để phân công cho 18 đơn vị, sở, ngành tổ chức thực hiện. Ví dụ: Sở Kế hoạch và Đầu tư được phân công 19 nhiệm vụ, Sở Công Thương 20 nhiệm vụ... Thiếu tướng Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố, thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình số 09-CTr/TU về “Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025” thông tin, 64 nhiệm vụ trọng tâm sẽ được phân công cho các cơ quan, đơn vị, gắn với thời gian, tiến độ thực hiện.
Quá trình xây dựng rất công phu, song việc xem xét, thảo luận cho ý kiến của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở để hoàn thiện các chương trình công tác với chất lượng cao nhất. Trong đó, Thành ủy Hà Nội quán triệt yêu cầu, mỗi chương trình phải xác định cụ thể nhiệm vụ từng tháng, từng quý, từng năm; rõ nội hàm công việc, ai chủ trì, ai phối hợp, khi nào bắt đầu, kết thúc. Tất cả phải hướng tới mục tiêu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ngay từ năm đầu thực hiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.