(HNM) - Phải đến gần đây, hoạt động du lịch nước ngoài (outbound) mới được nhắc đến nhiều hơn. Nhìn nhận rõ vai trò, ảnh hưởng của loại hình này trong hoạt động du lịch sẽ không chỉ giúp nâng cao vị thế du lịch Việt Nam mà còn thu hút thêm khách du lịch quốc tế.
Phải đến cuối tháng 3 vừa qua, trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2019, vấn đề du lịch nước ngoài mới được chính thức đề cập. Lần đầu tiên một diễn đàn về loại hình này được tổ chức tại Việt Nam. Trước đó, trong nhiều lần chia sẻ với báo giới, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam đều lo lắng vì loại hình này chưa được nhìn nhận đúng mức. “Trong du lịch có 3 loại hình là du lịch nội địa, du lịch đón khách quốc tế đến và du lịch đưa khách ra nước ngoài. Trong khi hai loại hình đầu tiên thường được nhắc đến trong các thống kê thì loại hình du lịch đưa khách ra nước ngoài lại không có số liệu”, ông Vũ Thế Bình nói.
Mảng du lịch đưa khách ra nước ngoài cần được quan tâm nhiều hơn để nâng vị thế. |
Đó là một thiếu sót, bởi loại hình du lịch đưa khách ra nước ngoài không chỉ mang ngoại tệ ra nước ngoài mà còn mang lại những đóng góp đáng kể cho chính nền du lịch cũng như kinh tế Việt Nam. Tiền lãi của các công ty lữ hành khi tổ chức tour ra nước ngoài, chi phí vận chuyển (nếu là các hãng hàng không trong nước) trong mỗi chuyến tour cũng không nhỏ... điều đó cho thấy loại hình này không hoàn toàn “chảy máu ngoại tệ” như một số người vẫn quan niệm.
Ông Đoàn Ngọc Xuân, Vụ trưởng Vụ Văn hóa xã hội (Ban Kinh tế Trung ương) cho hay, cùng với lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng hằng năm, lượng người Việt Nam đi du lịch nước ngoài cũng tăng trưởng liên tục 2 con số. Nếu năm 2016, khoảng 6,6 triệu lượt người Việt Nam đi du lịch nước ngoài thì đến năm 2018, đã tăng lên 10 triệu lượt người. Ngay dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 tới đây, nhiều doanh nghiệp lữ hành như: Hanoitourist, Vietravel, Vietrantour, HanoiRedtours, Vietsense,… đều tuyên bố đã bán hết chỗ của nhiều tour đi nước ngoài. Ngay như Gohub - doanh nghiệp Việt Nam về cho thuê wifi du lịch nước ngoài di động và bán sim quốc tế cũng cho hay, doanh số trong tháng 3 và tháng 4 này đã đạt mức mong muốn do số khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài ngày càng nhiều.
Thực tiễn này cho thấy, du lịch nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong hệ thống ngành Du lịch. Nhưng do nhiều nguyên nhân, hoạt động outbound chưa vào nền nếp, còn nhiều bất cập. Ví như việc 700 khách Việt Nam bị bỏ lại Bangkok (năm 2013), 52 khách Việt Nam trốn lại đảo Jeju của Hàn Quốc (năm 2016) và gần đây nhất là vụ việc 152 khách trốn lại Đài Loan (Trung Quốc, năm 2018)… Thống kê trên cũng mới chỉ là những vụ việc nổi cộm, còn những vụ khách trốn lẻ rất khó liệt kê hết. Trong những vụ việc này, có công ty tổ chức tour thậm chí không có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế nên nước sở tại tạm thời cắt bỏ những hình thức ưu đãi, khiến các công ty lữ hành khác khó thu hút khách đi du lịch nước ngoài.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc TransViet chia sẻ, ngoài những đối tượng lợi dụng du lịch để trốn lại nước sở tại, nhiều khách còn có ứng xử chưa văn minh ở nơi công cộng. Tình trạng du khách nói chuyện to, bỏ rác bừa bãi, lãng phí đồ ăn, đi muộn giờ… thường xuyên xảy ra. Những việc này đã ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt Nam, gián tiếp gây khó khăn cho việc thu hút khách đến Việt Nam. Như ông Vũ Thế Bình lý giải, một trong những lý do khiến Nhật Bản thu hút khoảng 30 triệu lượt khách/năm cũng nhờ du khách người Nhật Bản gây thiện cảm với người dân nhiều nước trong hành trình du lịch của mình. Đây là câu chuyện mà chúng ta cần tham khảo và học tập.
Quản chặt để nâng vị thế
Không ngẫu nhiên, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và nhiều cơ quan chức năng, các doanh nghiệp lữ hành cùng khẳng định, cần thêm những giải pháp để đặt du lịch nước ngoài đúng vị thế. Việc rõ nhất là đưa số liệu liên quan đến outbound vào thống kê thường xuyên của ngành Du lịch để mang đến cái nhìn toàn diện hơn.
Ông Vũ Thế Bình cho rằng: “Cần điều chỉnh lại tổ chức để có các bộ phận chuyên trách quản lý du lịch nội địa, du lịch đón khách quốc tế đến và du lịch đưa khách ra nước ngoài. Cần rà soát cấp phép, quy định các điều kiện, trước mắt phải tăng cường năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về outbound; cần định hướng thị trường, bảo đảm quyền lợi của du khách; tổ chức, đẩy mạnh phong trào nâng cao văn hóa ứng xử của người Việt Nam khi du lịch nước ngoài”.
Còn ông Nguyễn Tiến Đạt đề xuất: “Ngoài việc bảo đảm các cơ chế, chính sách, quyền lợi cho du khách thì cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có chế tài xử lý nghiêm tình trạng trục lợi du lịch để đưa người lao động ra nước ngoài trái phép. Ngoài ra, ngành Du lịch cũng cần sự chung tay của cộng đồng trong việc ứng xử văn minh, thanh lịch nơi công cộng, góp phần nâng cao hình ảnh của người Việt Nam khi ra nước ngoài”.
Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhìn nhận, outbound góp phần tăng cường hiểu biết, nâng cao dân trí, quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam, tìm kiếm cơ hội đầu tư... Nên, trước mắt, để xây dựng hình ảnh khách du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch sẽ xây dựng bộ quy tắc cho khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài.
Như vậy, việc nhìn nhận đúng vai trò của việc đưa khách du lịch ra nước ngoài sẽ góp phần nâng cao vị thế cho ngành Du lịch. Vì vậy, rất cần các cơ quan chức năng trong lĩnh vực du lịch nghiên cứu để sớm có thêm những giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm lĩnh vực này có những đóng góp tối đa cho nền kinh tế. Đồng thời nâng cao hình ảnh cho du lịch Việt Nam thay vì chỉ trông chờ vào sự tự vận động của các công ty lữ hành hay sự tự giác trong hành xử của du khách.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.