Theo dõi Báo Hànộimới trên

Du lịch những ngày nghỉ lễ: Bỏ tiền rước bực vào thân

Xuân Lộc| 03/05/2015 06:43

(HNM) - Trong kỳ nghỉ lễ kéo dài 6 ngày, tại nhiều điểm du lịch khắp ba miền Bắc - Trung - Nam, dễ dàng bắt gặp cảnh quá tải,


Bãi biển Đà Nẵng dịp nghỉ lễ. Ảnh: Lê Hiếu


Đủ kiểu "chém"... khách

Với suy nghĩ, kỳ nghỉ lễ dài ngày là cơ hội nghỉ ngơi cùng gia đình, bạn bè nên nhu cầu du lịch dịp này của mọi người, mọi nhà tăng cao. Lợi dụng tâm lý và nhu cầu đó, các đơn vị kinh doanh dịch vụ ra sức "chém", khiến du khách phải ngậm ngùi nghiến răng chấp nhận vì nơi đâu cũng rơi vào cảnh quá tải... Đưa gia đình về quê ở huyện Tân Kỳ (Nghệ An), chiều 30-4 trên đường quay ra Hà Nội, anh Phan Mạnh (ở Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) quyết định dừng chân ở Cửa Lò để cả gia đình "xả hơi". Do chủ quan không đặt phòng trước nên kế hoạch nghỉ lễ của gia đình anh bị xáo trộn. "Tôi đã đánh xe đi quanh khu vực, thậm chí vào cả nhà dân ở phía thị trấn gần Cửa Lò nhưng vẫn không thể thuê được phòng nghỉ. Cuối cùng, đành phải chấp nhận để mọi người tắm biển xong rồi quay về TP Vinh. Thế nhưng, tại đây cũng diễn ra tình trạng "cháy phòng". Nhờ bạn bè giúp đỡ và phải đến hơn 21h, gia đình mới tìm được một nhà nghỉ nằm trong con ngõ nhỏ ngoắt ngoéo, sát một nghĩa trang khá rộng... Ấy vậy mà đến hơn 23h, nhiều người từ Cửa Lò vẫn đổ về đây hỏi thuê phòng mà không có", anh Phan Mạnh cho biết.

Theo UBND thị xã Cửa Lò, mùa du lịch 2015, Cửa Lò có hơn 270 khách sạn, nhà nghỉ với khoảng 8.000 phòng nhưng đều được đặt kín từ trước ngày 27-4. Nhiều du khách vì vậy phải chấp nhận về đây tắm biển xong thì quay lại TP Vinh nghỉ. Trong những ngày nghỉ lễ, trung bình mỗi ngày có hơn 30.000 người đến Cửa Lò. Cao điểm nhất là ngày 30-4 với khoảng 57.000 lượt khách đổ về dự lễ khai hội biển với chủ đề "Sắc mới Cửa Lò". Kéo theo đó là dịch vụ ăn uống, trông xe bị quá tải. Bất chấp quy định của UBND thị xã Cửa Lò về phí trông xe máy là 4.000 đồng/lượt, ô tô dưới 7 chỗ ngồi không quá 10.000 đồng/lượt thì các bãi trông xe ở gần bãi biển thu 15.000 - 20.000 đồng/lượt xe máy, ô tô dưới 7 chỗ ngồi từ 40.000 - 50.000 đồng/lượt. Riêng tối diễn ra lễ khai hội, mức phí trông giữ xe máy tại bãi biển là 30.000 - 40.000 đồng/lượt, ô tô là 100.000 - 150.000 đồng/lượt. Bà Đặng Thị Mẫn, giáo viên về hưu cho biết, đã đến Cửa Lò nhiều lần nhưng chưa lần nào chứng kiến cảnh quá tải như kỳ nghỉ này. Giá các loại hải sản như: Cá mú, tôm, cua biển, mực ống... tại các nhà hàng ven biển tăng gấp 3-4 lần bình thường. Du khách chấp nhận nhưng ngồi chờ gần tiếng đồng hồ cũng chưa được phục vụ...

Khu du lịch biển Sầm Sơn cũng rơi vào cảnh tương tự. Mùa du lịch năm 2015, Sầm Sơn có gần 12.000 phòng, trong đó có 585 phòng vip, nhưng trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay, không đủ đáp ứng nhu cầu du khách. Nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ, thị xã Sầm Sơn đã ban hành quy định yêu cầu các tổ chức, cá nhân, các cơ sở kinh doanh bắt buộc phải có bảng niêm yết giá. Chính quyền địa phương cũng khẳng định cương quyết xử lý nạn "chặt chém", chèo kéo, ép giá, làm phiền… du khách. Thế nhưng, chị Nguyễn Thanh Hà (phố Ngọc Lâm, quận Long Biên) bức xúc cho biết: Gia đình chị đã đặt trước phòng nhưng vẫn bị "chặt chém" vô lý. Nhà nghỉ thì sập sệ và cứ đến 8h sáng thì tắt điều hòa để tiết kiệm điện, nhưng giá phòng không rẻ, đã vậy lại còn có thêm quy định, nếu ăn uống tại nhà nghỉ mức giá là 600.000 đồng/ngày/đêm, chỉ lưu trú không ăn uống thì giá tăng đến 900.000 đồng/ngày/đêm. Nước uống, bia, nước ngọt, bim bim, kem... cũng tăng 2-3 lần. Đáng nói là các nhà hàng không treo biển niêm yết giá dịch vụ theo quy định hoặc có treo thì không bán đúng giá đã niêm yết...

Tại Cát Bà, hàng vạn người cũng đổ về trong những ngày nghỉ khiến khách sạn "cháy phòng", bãi tắm không còn nước ngọt để tắm tráng. Nếu không đặt phòng trước, may thì thuê được nhà dân với giá "cắt cổ", còn không chỉ còn cách ngủ... vỉa hè. Dẫu vậy khốn khổ nhất để đến được hòn đảo được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới này là cảnh chờ phà. Bình thường, du khách từ Hải Phòng sang Cát Bà chỉ mất khoảng hai tiếng, còn ngày cao điểm phải đi đến 6-7 tiếng.

Thua ngay trên "sân nhà"

Trong khi các tour du lịch trong nước giá khá "chát", dịch vụ không tương xứng thì các tour du lịch nước ngoài lại khá "mềm", không tăng so với ngày thường, thậm chí còn giảm. Đơn cử như tour đi Thái Lan (4 đến 6 ngày) giá chỉ 6-8 triệu đồng, tour Hà Nội - Singapore (4-6 ngày) giá từ 9-10 triệu đồng, tour du lịch Singapore - Malaysia - Indonesia 1 tuần giá cũng chỉ 12 triệu đồng…, rẻ hơn so với giá tour di chuyển bằng máy bay từ Hà Nội đi Nha Trang, Đà Lạt hoặc Phú Quốc. Đó là lý do nhiều du khách đã chọn du lịch nước ngoài.

Hang Câu - đảo Lý Sơn rất đông du khách trong những ngày nghỉ lễ. Ảnh: Trần Việt Dũng



Đại điện Công ty Du lịch Vietravel cho biết, dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay, Vietravel phục vụ khoảng 20 nghìn lượt khách (không bao gồm khách đoàn), trong đó có 12 nghìn khách tới Thái Lan, Campuchia, Singapore, Hong Kong… chỉ 8 nghìn khách còn lại du lịch trong nước. Hanoi Redtours cũng phục vụ hơn 6.000 khách (tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó riêng khách đi Thái Lan đã hơn 1.000 người… Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình thẳng thắn thừa nhận, trong năm qua, khách du lịch từ các nước ASEAN sang Việt Nam khoảng 1 triệu lượt khách trong khi người Việt sang các nước ASEAN là hơn 2,5 triệu lượt. Điều đó có nghĩa chúng ta đang thua ngay trên "sân nhà".

Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ Trần Thế Dũng phàn nàn: Sa Pa không chỉ đẹp và nên thơ, khí hậu ôn hòa, mát mẻ, được ví như "Đà Lạt thứ 2" nhưng không ở đâu tăng giá chóng mặt như nơi đây. Bình thường dẫn đoàn khách đi tour ở khách sạn 3 sao tại Mường Thanh (tỉnh Điện Biên) giá chỉ 650.000 đồng/phòng/đêm lại được phục vụ buffet sáng miễn phí. Với Sa Pa, tôi phải nói từ "đau đớn" bởi cứ đến cuối tuần là các khách sạn 1-2 sao, nhà nghỉ tăng giá phòng lên gấp đôi. Dịp lễ những năm trước cũng chỉ tăng 1-2 lần nhưng năm nay, giá phòng bị đẩy lên 4-5 lần thì thật khó chấp nhận. Ngành du lịch đã nỗ lực kéo khách về "sân nhà", hãng lữ hành chấp nhận lời ít để giảm giá, kích cầu cũng không bù lại nếu điểm đến nào cũng đẩy giá sốc như Sa Pa...

Trong 10 tháng liên tục (từ tháng 6-2014 đến tháng 3-2015), lượng khách quốc tế đến Việt Nam luôn giảm, thậm chí giảm không phanh ngay trong mùa cao điểm. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cũng thừa nhận thực tế này. Vậy mà, lượng khách quốc tế đến Thái Lan tăng 20%. Campuchia cũng đang phát triển mạnh về du lịch. Các nước trong khu vực phát triển du lịch rất tốt, biết liên kết với nhau để giảm giá, trong khi du lịch nước ta vẫn làm ăn theo kiểu "chụp giật", manh mún, "mạnh ai nấy làm".

Sự quá tải tại các điểm nghỉ dưỡng trong dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 một lần nữa đặt ra câu hỏi về hiệu quả quản lý ngành cũng như sự phối hợp trong chỉ đạo, quản lý, giám sát việc tổ chức hoạt động du lịch giữa ngành du lịch với các địa phương. Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, ngành du lịch nên có những biện pháp phản ứng hiệu quả, kịp thời thì mới có thể ngăn chặn đà sụt giảm hiện tại và cải thiện hình ảnh ngay trong con mắt du khách nội địa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du lịch những ngày nghỉ lễ: Bỏ tiền rước bực vào thân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.