(HNM) - Lãi suất không kỳ hạn đã được các ngân hàng đẩy lên đến 12%/năm. Mặc dù chỉ được áp dụng cho một số ít ngân hàng, song lại dự báo một cuộc đua lãi suất không kỳ hạn sẽ sớm xảy ra, bởi giữa các ngân hàng luôn có sự cạnh tranh, nếu ngân hàng nào đó tăng lãi suất, các ngân hàng khác không thể ngồi nhìn.
Giao dịch tại Ngân hàng Techcombank. Ảnh: Đàm Duy
Từ trước đến nay, lãi suất không kỳ hạn thường ở mức thấp, bởi hình thức tiết kiệm này khá rủi ro khi người gửi tiền có thể rút bất cứ lúc nào. Nhưng thời gian gần đây, lãi suất không kỳ hạn lại liên tục được đẩy lên cao, từ 5-6%/năm lên 11-12%/năm. Từ ngày 6-4, Habubank điều chỉnh lãi suất tiết kiệm VND với loại hình không kỳ hạn lên 12%/năm cho khách hàng cá nhân có số dư từ 10 triệu đồng trở lên. Đối với chủ tài khoản Saving Vatage, mức lãi suất không kỳ hạn 12%/năm áp dụng cho tất cả các mức tiền. ACB áp dụng lãi suất không kỳ hạn 9,6%/năm đối với khoản tiền gửi đầu tư trực tuyến VND, lãi suất không kỳ hạn thông thường cho số dư 1 tỷ đồng trở lên là 4,8%/năm. Lãi suất không kỳ hạn bằng VND của SeABank cũng lên đến 12%/năm. Gói sản phẩm VP Super của VPBank dành cho khách hàng có nguồn tiền VND luân chuyển qua tài khoản thanh toán có lãi suất 9%/năm. Nếu không phải tăng lãi suất không kỳ hạn thì nhiều ngân hàng đã sử dụng "chiêu" thức mới: điều chỉnh lãi suất có kỳ hạn nhưng được rút gốc linh hoạt và được hưởng lãi suất theo thời gian thực gửi.
Trước tình trạng này, nhiều ngân hàng khác cũng đang tìm cách điều chỉnh lãi suất, nhằm giữ chân khách hàng cũ và cạnh tranh với các ngân hàng khác. Thực tế, nếu lãi suất không kỳ hạn bằng lãi suất có kỳ hạn thì người gửi tiền không có lý do gì mà không chọn loại hình này.
Rõ ràng là việc các ngân hàng đẩy lãi suất huy động VND không kỳ hạn lên mức quá cao như hiện nay gây rủi ro lớn cho hệ thống ngân hàng. Câu hỏi về tính thanh khoản của các ngân hàng lại một lần nữa được đặt ra, phải chăng những ngân hàng này đang có khó khăn về thanh khoản nên phải tìm mọi cách để tăng nguồn vốn? Đại diện một ngân hàng thừa nhận, việc thu hút vốn hiện nay không đơn giản, trong khi nhiều ngân hàng đang "khát" vốn. Với trần lãi suất bị khống chế ở mức 14%/năm, trong bối cảnh lạm phát có nguy cơ tăng cao không hấp dẫn được người gửi tiền, bởi vậy ngân hàng phải dùng "chiêu thức" mới là tăng lãi suất không kỳ hạn để "hút" vốn. Song các chuyên gia cho rằng, nếu ngân hàng huy động dòng tiền không kỳ hạn nhưng lại cho vay với các khoản vay "dài hơi" hơn sẽ có thể gặp nhiều rủi ro, vì khoản không kỳ hạn có thể bị rút ra bất cứ khi nào. Do vậy, ngành chức năng cần có giải pháp để thị trường tiền tệ hoạt động lành mạnh hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.