(HNM) - “Hàng loạt khó khăn, vướng mắc đã khiến cho dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch bị chậm tiến độ. Đến nay, những khó khăn đã cơ bản được tháo gỡ, chủ đầu tư và các nhà thầu đang nỗ lực thi công, để hoàn thành dự án trong tháng 12-2022”, ông Bùi Mạnh Cường, Trưởng phòng Quản lý xây dựng dự án 1 (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội) cho biết khi trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới.
- Ông có thể cho biết, dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch chậm tiến độ, gây bức xúc dư luận, vậy đâu là nguyên nhân?
- Dự án cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch có kết cấu thép lắp ghép, dạng chữ C, với tổng chiều dài cầu hơn 320m. Dự án do liên danh nhà thầu Thành Long - Cienco 1 - Việt Hưng thi công. Hợp đồng thi công ký ngày 26-2-2021 với thời gian thực hiện 270 ngày.
Tuy nhiên, do dịch Covid-19 nên đến tháng 10-2021, dự án mới có thể khởi công và dự kiến hoàn thành trong tháng 6-2022... Ngoài ra, mặt bằng thi công trong khu vực chật hẹp và hệ thống các công trình ngầm, nổi trong phạm vi dự án rất phức tạp, bao gồm các hệ thống ngầm cũ đã qua nhiều giai đoạn chỉnh sửa, cải tạo kết hợp với các sự cố bất khả kháng trong quá trình thi công dẫn đến mất nhiều thời gian để xử lý. Trong đó, tiến độ thi công kết cấu phần dưới phía đường Phạm Ngọc Thạch bị chậm khoảng 2 tháng do cọc khoan nhồi có đường kính lớn (2m), thi công trong phạm vi rào chắn chật hẹp và chỉ có thể làm vào ban đêm...
Phía đường Chùa Bộc, tiến độ thi công kết cấu phần dưới kéo dài khoảng 1 tháng, do phải điều chỉnh phương án để không ảnh hưởng đến tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội số 2.2, đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình.
- Dự kiến tháng 6 dự án hoàn thành nhưng sang tháng 7-2022, dự án vẫn còn khá ngổn ngang. Vậy đâu là lý do thưa ông?
- Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã dẫn tới khó khăn trong việc sản xuất, vận chuyển kết cấu, vật liệu. Đặc biệt, giá thép nhập khẩu làm dầm biến động lớn, đơn vị thi công và nhà cung cấp thép phải mất nhiều thời gian thương thảo, dẫn đến toàn bộ thép nhập khẩu của dự án bị chậm. So với thời điểm trúng thầu giá thép đã tăng đến 35% (tháng 6-2021); chưa kể giá bu lông, que hàn cũng tăng 10-20%. Đến ngày 31-12-2021, 90% khối lượng thép nhập khẩu mới về Việt Nam. Số còn lại đến ngày 8-2-2022 mới tiếp tục bàn giao.
Việc gia công, gá lắp kết cấu thép thực hiện tại xưởng của Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Long (xã Đình Dù, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên). Thời điểm sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần (tháng 3-2022), có tới 70% công nhân nghỉ việc do xuất hiện nhiều ca mắc Covid-19. Đến tháng 5-2022, nhà máy mới ổn định để hoạt động trở lại.
- Xin ông cho biết tiến độ chung của dự án đến nay?
- Hiện các khó khăn, vướng mắc đã được chủ đầu tư, nhà thầu tháo gỡ. Dịch Covid-19 cũng đã được kiểm soát, nhờ đó dự án cơ bản đủ điều kiện thi công. Đến nay, phía đường Phạm Ngọc Thạch đã thi công xong toàn bộ cọc khoan nhồi và bệ móng, thân trụ; đang triển khai ép cọc đại trà 35x35cm bê tông cốt thép tại tường chắn chữ U và hoàn thiện mố M9.
Phía đường Chùa Bộc, việc xén hè mở rộng đường hai bên và lắp đặt hệ thống chiếu sáng trên tuyến… cơ bản đã xong. Nhà thầu đang tập trung gia công kết cấu thép trong xưởng, sau đó sẽ vận chuyển về dự án để lắp đặt.
- Vậy, đến khi nào dự án có thể hoàn thành để giải quyết tình trạng ùn tắc tại nút giao thông này, thưa ông?
- Chúng tôi đã báo cáo UBND thành phố Hà Nội về những khó khăn, vướng mắc nói trên và đã được thành phố chấp thuận điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết quý IV-2022. Hiện, chủ đầu tư và nhà thầu đang nỗ lực để trong tháng 8 tới thi công xong toàn bộ kết cấu phần dưới phía đường Phạm Ngọc Thạch; tháng 9 thi công xong toàn bộ kết cấu phần dưới phía đường Chùa Bộc; tháng 10 chuyển sang thi công các hạng mục phần trên để có thể hoàn thành dự án trong tháng 12-2022.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.