Tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân cao hơn nhiều lần tốc độ phát triển hạ tầng giao thông, cùng với ý thức của một bộ phận người dân chưa cao là nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông.
Chiều 16-5, tham luận tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý I, phương hướng, nhiệm vụ quý II-2025, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho hay, thành phố Hà Nội có trên 8 triệu dân với khoảng hơn 9,2 triệu phương tiện các loại cộng với hơn 1,2 triệu phương tiện cá nhân từ các địa phương khác lưu thông hằng ngày, đang gây quá tải hạ tầng giao thông thành phố.
Ngoài ra, tốc độ gia tăng phương tiện giao thông cá nhân 4 - 5%/năm cao hơn tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông 0,35%/năm, cùng với ý thức của một bộ phận người dân chưa cao, chưa tuân thủ nghiêm pháp luật trật tự, an toàn giao thông, là những nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.
Để bảo đảm an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông, thành phố chủ động triển khai các dự án đầu tư phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, để khép kín các tuyến đường vành đai, các tuyến quốc lộ hướng tâm; đầu tư 7 cầu lớn qua sông Hồng; đầu tư các tuyến đường sắt đô thị.
Trong đó, dự án đường Vành đai 4 cơ bản hoàn thành trong năm 2026, đưa vào khai thác năm 2027; tuyến đường Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính sẽ khởi công ngày 17-5; cầu Tứ Liên khởi công ngày 19-5; các cầu Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi sẽ lần lượt khởi công ngày 19-8 và 2-9-2025.
Giai đoạn 2025-2030, thành phố sẽ đầu tư hơn 100km đường sắt đô thị. Trong đó, các tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, Văn Cao - Hòa Lạc đang chuẩn bị đầu tư, phấn đấu khởi công trong năm 2025.
Ngoài ra, các tuyến hạ tầng giao thông khung như quốc lộ 6, nút giao Vành đai 3,5 - Đại lộ Thăng Long, đường trục phía Nam, đường Vành đai 3 phía Bắc đang khẩn trương triển khai theo tiến độ yêu cầu.
Bên cạnh việc đầu tư các tuyến đường sắt đô thị, trợ giá vé cho hành khách, thành phố đã ban hành nghị quyết triển khai vùng phát thải thấp; phê duyệt đề án và đang chuyển đổi xe buýt sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh; triển khai đề án xe đạp công cộng; xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư phát triển phương tiện và hạ tầng giao thông xanh, khuyến khích người dân chuyển đổi từ phương tiện cơ giới sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng phương tiện giao thông xanh, sạch.
Từ đầu năm 2025 đến nay, thành phố đã xử lý được 2/37 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông; điều chỉnh tổ chức giao thông tại 68 vị trí; ban hành 41 thông báo điều chỉnh tổ chức giao thông; xử lý ùn tắc giao thông tại 96 cổng trường học trong khu vực nội thành; rà soát điều chỉnh toàn bộ những bất cập về đèn tín hiệu, hệ thống biển báo giao thông trên toàn địa bàn thành phố.
Theo thống kê của Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội, trong quý I-2025, trên địa bàn thành phố xảy ra 306 vụ tai nạn giao thông, làm chết 177 người, bị thương 199 người. So với cùng kỳ năm 2024, giảm 81 vụ (-20,93%), tăng 1 người chết (+0,57%), giảm 115 người bị thương (-36,62%).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.