Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Cư trú: Tạo điều kiện tối đa cho người dân

An Trân| 27/02/2013 06:30

(HNM) - Nhiều ý kiến đánh giá các quy định đưa ra chặt chẽ hơn nhằm siết chặt việc đăng ký thường trú tại khu vực nội thành các thành phố trực thuộc TƯ.

Tuy nhiên một số ý kiến cho rằng, những nội dung trong dự án luật vẫn chưa thực sự tạo điều kiện để người dân thực hiện quyền tự do cư trú mà chủ yếu tạo thuận lợi hơn cho cơ quan quản lý nhà nước...

Sửa đổi, bổ sung dự án luật sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, bảo đảm quyền tự do cư trú. Ảnh: Thái Hiền


Đi nước ngoài 2 năm, xóa tên khỏi sổ hộ khẩu?

Tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú, song tại phiên họp, nhiều thành viên Ủy ban TVQH đánh giá, dự án luật chưa thực sự tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền tự do cư trú theo quy định của Hiến pháp và pháp luật mà chủ yếu tạo thuận lợi hơn cho cơ quan quản lý nhà nước. Đặc biệt là đề xuất các trường hợp đã xuất cảnh được 2 năm trở lên hoặc chấp hành hình phạt tù tại cơ sở giam giữ, người được tuyển sinh, tuyển dụng vào quân đội, công an sẽ bị xóa đăng ký thường trú.

Không đồng tình với đề xuất này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đánh giá, làm như vậy sẽ không bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân đã được quy định trong Hiến pháp. Mặt khác, quy định này sẽ gây ra nhiều khó khăn, phiền hà đối với người xuất cảnh không chỉ khi họ thực hiện các quan hệ dân sự như kết hôn, giao dịch mua bán tài sản, đăng ký quyền sở hữu… mà còn có thể ảnh hưởng đến việc bảo hộ quyền cho công dân Việt Nam trong trường hợp những người này tham gia vào quá trình giải quyết các tranh chấp dân sự. Còn với trường hợp công dân chấp hành án phạt tù, quy định này không bảo đảm yêu cầu về mục đích giáo dục người phạm tội cũng như tính nhân văn của biện pháp này và gây khó khăn trong việc tái hòa nhập cộng đồng của người phạm tội, nhất là đối với những người chỉ phải chấp hành hình phạt tù trong thời gian ngắn.

Đồng tình với ý kiến trên, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đánh giá, việc xóa đăng ký thường trú chính ra là tự làm khó cho công tác quản lý. Mặt khác, quy định về việc xóa đăng ký tạm trú sau đó lại cho phép đăng ký thường trú lại tạo ra thủ tục hành chính rườm rà, gây tốn kém về thời gian và chi phí cho cả công dân và cơ quan quản lý nhà nước. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu quan điểm, việc sửa quy định xóa đăng ký thường trú đối với trường hợp ra định cư ở nước ngoài thành quy định xóa đăng ký thường trú đối với người đã xuất cảnh từ hai năm trở lên là chưa thực sự phù hợp, không bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân.

Sẽ có quy định chặt chẽ hơn việc nhập cư vào khu vực nội thành. Ảnh: Thái Hiền


Siết chặt quy định nhập cư khu vực nội thành

Dù còn một số điểm chưa nhận được sự đồng thuận song các ý kiến tại phiên họp đều thống nhất nhận định, với các quy định chặt chẽ hơn, dự án luật sẽ góp phần khắc phục tình trạng lạm dụng các quy định thông thoáng của Luật Cư trú hiện hành để đăng ký thường trú tại nội thành của các thành phố trực thuộc TƯ, đang gây mất cân đối về phân bố dân cư và an sinh xã hội, tạo sức ép lên cơ sở hạ tầng, giao thông, trường học, bệnh viện, điện, nước...

Theo tờ trình của Chính phủ, công dân được đăng ký thường trú tại các thành phố lớn trực thuộc TƯ nếu có một trong các điều kiện có nhà ở hợp pháp thuộc sở hữu của mình. Trường hợp có chỗ ở hợp pháp mà không phải là nhà ở thuộc sở hữu của mình và tạm trú liên tục từ 2 năm trở lên thì phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND thành phố quy định. Được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nếu là người thành niên độc thân về sống với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột; ông, bà nội, ngoại về ở với cháu ruột, người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, mất sức, nghỉ thôi việc chuyển về với anh chị em ruột... Trường hợp đăng ký thường trú vào nội thành Hà Nội thì thực hiện theo Luật Thủ đô.

So với quy định hiện hành, các điều kiện trên được quy định theo hướng chặt chẽ hơn. Đó là ngoài quy định tăng thời gian tạm trú từ một năm lên hai năm, dự thảo luật đã bổ sung quy định công dân được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc TƯ khi có chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức thì còn phải bảo đảm cả điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND và được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc công chứng. Nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú.

Bên cạnh đó, dự án luật cũng bổ sung hành vi cấm việc cho người khác đăng ký hộ khẩu để trục lợi và nghiêm cấm ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn đối với người lao động nhưng thực tế người này không làm việc tại doanh nghiệp đã ký hợp đồng đó hoặc ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn đối với người lao động không thuộc doanh nghiệp của mình để người này nhập hộ khẩu vào thành phố trực thuộc TƯ.

Có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2007, sau hơn 5 năm thực hiện Luật Cư trú đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc, sơ hở, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho công dân bảo đảm các quyền về tự do cư trú và tăng cường công tác quản lý nhà nước về cư trú. Để có thể đưa trình QH xem xét, thông qua tại kỳ họp tới, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, việc sửa đổi, bổ sung dự án luật phải tạo điều kiện tối đa cho người dân thực hiện quyền tự do cư trú, theo nguyên tắc là người dân phải được tự do cư trú, đi lại, được chăm sóc y tế, có chỗ học hành.

Chiều cùng ngày, phiên họp thứ 15 của UB TVQH đã họp phiên bế mạc. Trước đó UB TVQH đã cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về bố trí vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2012 - 2015 và năm 2012 cho một số dự án quan trọng, cấp bách của các Bộ: Giao thông vận tải, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; về tờ trình của TAND tối cao đề nghị bổ sung thành viên hội đồng thẩm phán.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Cư trú: Tạo điều kiện tối đa cho người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.