(HNM) - Với mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông quanh khu vực, tuyến đường Ngô Quyền (Hà Đông) đã được phê duyệt đầu tư nâng cấp, mở rộng. Thế nhưng, sau gần 4 năm triển khai, dự án vẫn trong tình trạng dang dở. Vậy nguyên nhân vì sao?
Dãy nhà nằm trong dự án vẫn chưa GPMB.
Ngày 7-4-2008, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã có Quyết định số 803/QĐ-UBND thu hồi 6.972m2 đất thuộc địa giới hai phường Quang Trung và Vạn Phúc (Hà Đông), giao cho Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng quận Hà Đông thực hiện Dự án xây dựng đường Ngô Quyền (giai đoạn 1), với chiều dài 1.160m (đoạn từ cầu Am đến cầu Chùa Ngòi). Cuối năm 2008, Dự án xây dựng đường Ngô Quyền bắt đầu được triển khai. Thực hiện Dự án xây dựng đường Ngô Quyền (giai đoạn 1) có 113 hộ gia đình, tổ chức kinh tế có đất nằm trong quy hoạch, trong đó phường Vạn Phúc có 42 hộ gia đình và 2 tổ chức; phường Quang Trung có 68 hộ và 1 tổ chức, riêng phía trái tuyến (máng La Khê) có 27 hộ có đất nằm trong quy hoạch dự án. Tuy nhiên, sau gần 4 năm thực hiện, dự án mới chỉ thi công được 700m đường (đoạn giữa). Hệ thống điện chiếu sáng hoàn thành khoảng 90%; hệ thống điện trung hạ thế được 95% khối lượng. Hiện còn hai đoạn đường với chiều dài 460m (đoạn giáp cầu Am và giáp cầu Chùa Ngòi) chưa thể thi công.
Tìm hiểu thực tế, chúng tôi thấy đoạn đường Ngô Quyền gần cầu Am (phía máng La Khê) và đoạn đối diện với cổng phụ Học viện Chính trị - Quân sự gần cầu Chùa Ngòi vẫn hiện hữu dãy nhà cấp bốn đã xuống cấp của hơn chục hộ dân đang sinh sống. Đoạn đường gần cầu Chùa Ngòi chưa thi công, người dân trong khu vực tự ý đổ phế thải xây dựng, rác thải sinh hoạt bừa bãi, vừa làm mất mỹ quan đô thị và gây cản trở giao thông. Một vài hộ đã sử dụng mặt bằng làm nơi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng… Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Đình Huệ, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hà Đông lý giải: Nguyên nhân của việc thi công chậm trễ là chưa giải phóng mặt bằng (GPMB), do chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (BT, HT, TĐC) có sự thay đổi khi hợp nhất giữa Hà Tây và Hà Nội. Trong quá trình triển khai công tác GPMB, một số hộ sử dụng đất kênh La Khê trước đây không thuộc đối tượng được BT, HT về đất. Căn cứ vào nguyện vọng của các hộ (các hộ này sử dụng đất trước ngày 15-10-1993 và trước thời điểm cắm mốc giới quy hoạch bảo vệ hành lang máng La Khê năm 1996), UBND thành phố đã xem xét, cho phép quận Hà Đông thực hiện cơ chế đặc thù là HT 30% giá đất ở tại vị trí đất thu hồi đối với hạn mức giao đất ở mới của quận Hà Đông tại thời điểm phê duyệt phương án, nhưng không vượt quá diện tích đất thực tế bị thu hồi. Còn đối với các hộ nằm trong quy hoạch dự án đủ 3 tiêu chí (mất 100% diện tích đất, không còn chỗ ở khác; có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội hoặc tạm trú trước một năm tại địa chỉ GPMB; ăn ở tại địa chỉ nơi GPMB), được thành phố chấp thuận cho mua căn hộ chung cư tại KĐT Pháp Vân - Tứ Hiệp (Thanh Trì). Song, các hộ này đã sinh sống ổn định tại Hà Đông nên có nguyện vọng được giao đất TĐC trên địa bàn quận để tiện cho việc sinh hoạt, công tác, học tập… và đã được UBND thành phố chấp thuận. Hiện tại, vẫn còn 30 hộ chưa tháo dỡ công trình bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, trong đó phía trái tuyến có 22 hộ, bên phải tuyến còn 8 hộ. Các hộ chưa bàn giao mặt bằng tiếp tục có đơn khiếu nại về việc thu hồi đất, việc thực hiện chính sách BT, HT, TĐC. Một số hộ đã được bố trí TĐC bằng đất, nay đề nghị được BT 100% giá đất ở (trước đây đã được HT 30% giá đất ở). Các hộ chưa được bố trí TĐC, gồm 4 hộ có đất hợp pháp bị mất một phần, nhưng diện tích còn lại lớn hơn hạn mức giao đất ở mới, 7 hộ chưa được bố trí TĐC do thiếu một trong 3 tiêu chí tiếp tục đề nghị được TĐC như các hộ tương tự ở tuyến đường Nguyễn Khuyến, Ngô Quyền mà thành phố đã giải quyết trước đó.
Để giải quyết dứt điểm các đơn, thư khiếu nại của công dân, bảo đảm tính thống nhất về chính sách BT, HT, TĐC, mong các sở, ngành phối hợp với UBND quận Hà Đông giải quyết dứt điểm những vướng mắc còn tồn tại, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.