Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng tình với quy định được quyền ghi âm, ghi hình CSGT làm nhiệm vụ

Thành Hiệp Lương| 15/01/2020 19:31

(HNMO) - Từ hôm nay (15-1-2020), Thông tư số 67/2019/TT-BCA ngày 28-11-2019 của Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông chính thức có hiệu lực. Văn bản này đã nhận được ý kiến đồng tình của người dân, doanh nghiệp vận tải cũng như lực lượng Cảnh sát giao thông. Để có thể tham gia giám sát lực lượng chức năng thực thi công vụ, mỗi người cần hiểu, nắm vững và hành xử cho đúng các quy định của pháp luật.

Người dân ghi hình lực lượng Cảnh sát giao thông tại nút giao thông Kim Mã - Liễu Giai.

Giám sát lẫn nhau

Ngày đầu tiên Thông tư số 67/2019/TT-BCA có hiệu lực, trong đó quy định người dân được quyền ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp Cảnh sát giao thông (CSGT) thực thi công vụ, nhiều người dân bày tỏ đồng tình với chủ trương mới.

Sáng 15-1-2020, tại nút giao thông Kim Mã - Liễu Giai (quận Ba Đình), anh Tạ Văn Hùng (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm) đã dùng điện thoại di động ghi lại hình ảnh tổ công tác của Đội CSGT số 2 (Phòng CSGT, Công an thành phố Hà Nội) làm nhiệm vụ. Anh Hùng cho biết, trong quá trình ghi hình, anh nhận thấy lực lượng CSGT đã thực hiện đúng tác phong, điều lệnh và kiên quyết xử lý vi phạm.

“Tôi rất ủng hộ việc ghi âm, ghi hình CSGT làm nhiệm vụ. Việc ghi hình công khai sẽ giúp người dân và lực lượng thực thi công vụ có sự tương tác với mục đích chung là thượng tôn pháp luật”, anh Tạ Văn Hùng nói.

Đề cập vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ khi Thông tư số 67/2019/TT-BCA đi vào cuộc sống. “Việc ghi âm, ghi hình không chỉ nhằm giám sát mà còn ghi lại cả những hình ảnh đẹp về người chiến sĩ công an”, ông Nguyễn Văn Quyền nói.

Về phía doanh nghiệp vận tải, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại dịch vụ Đất Cảng và ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Long Hải cho rằng, việc được quyền ghi âm, ghi hình tạo sự minh bạch, giúp người dân và CSGT cùng giám sát nhau, thực thi đúng các quy định.

Còn ở góc độ chuyên môn, Trung tá Lê Văn Tiến, Đội trưởng Đội CSGT số 14 (Phòng CSGT, Công an thành phố Hà Nội) đồng tình, ủng hộ quy định về ghi âm, ghi hình lực lượng CSGT làm nhiệm vụ. “Việc này sẽ giúp cán bộ, chiến sĩ luôn ý thức phải tự nâng cao trách nhiệm, giữ hình ảnh, tác phong đúng mực”, Trung tá Lê Văn Tiến nói.

Việc ghi âm, ghi hình CSGT cần tuân thủ các quy định để nâng cao hiệu quả giám sát của nhân dân.

Cần hiểu đúng về quyền được ghi hình CSGT      

Trong Thông tư số 67/2019/TT-BCA nêu rõ có 5 hình thức giám sát đối với CSGT, trong đó có việc giám sát thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp. Riêng việc giám sát thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp phải thực hiện ngoài khu vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Cụ thể, tại Mục 5, Điều 11 của Thông tư nêu rõ: Khi thực hiện giám sát bằng hình ảnh, người dân phải bảo đảm các điều kiện, gồm: Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ; ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông); tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan...

Trung tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội Tuyên truyền và Điều tra giải quyết tai nạn giao thông (Phòng CSGT, Công an thành phố Hà Nội) cho biết, thời gian qua, một số người dân chưa hiểu đúng về cách thức thực hiện quyền giám sát nên đưa sát máy ghi hình vào khu vực lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ và phát trực tiếp trên mạng internet cho nhiều người xem. Việc này thường xảy ra tại khu vực các Tổ công tác 141 Công an thành phố Hà Nội thực hiện nhiệm vụ.

“Người dân cần hiểu rõ, các lực lượng Cảnh sát hình sự, Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy hóa trang tại các tổ công tác 141 đang làm nhiệm vụ bí mật”, Trung tá Vũ Văn Hoài nêu rõ.

Thiếu tá Nguyễn Đăng Tiến, Tổ trưởng Tổ công tác Y5/141 (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, thực tế nhiều người vi phạm có biểu hiện nghi vấn bị dừng xe yêu cầu kiểm tra thường đòi quyền được ghi hình tổ công tác, thậm chí đòi kiểm tra cả kế hoạch triển khai tổ công tác.

“Với những trường hợp đó, chúng tôi yêu cầu họ nghiêm túc thực hiện quyền công dân, giám sát ở ngoài phạm vi quy định và chỉ được ghi hình lực lượng công khai làm nhiệm vụ, gồm: CSGT, Cảnh sát cơ động. Còn những lực lượng hóa trang làm nhiệm vụ nếu bị ghi hình không những xâm phạm hoạt động nghiệp vụ mà còn ảnh hưởng đến quá trình điều tra phá án. Trong trường hợp này, người ghi hình sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, Thiếu tá Nguyễn Đăng Tiến nói.

Trao đổi về việc thực hiện Thông tư số 67/2019/TT-BCA, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, quy định này đã thể hiện quyết tâm của lãnh đạo Bộ Công an trong phòng ngừa sai phạm, tiêu cực. Bên cạnh việc giám sát của người dân, khi làm nhiệm vụ, các tổ công tác CSGT cũng được trang bị camera giám sát đặt trên xe và gắn trên người cán bộ, chiến sĩ. Hình ảnh ghi được từ các camera này sẽ được truyền trực tiếp về trung tâm nên chỉ huy đơn vị có thể giám sát toàn bộ quá trình làm việc của tổ công tác.

"Nếu phát hiện có chống đối hoặc truy bắt tội phạm thì đơn vị sẽ điều lực lượng hỗ trợ, đồng thời đây cũng là giải pháp ngăn ngừa cán bộ, chiến sĩ có hành vi vi phạm, tiêu cực, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng khẳng định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đồng tình với quy định được quyền ghi âm, ghi hình CSGT làm nhiệm vụ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.