Theo dõi Báo Hànộimới trên

Động lực xây dựng Tổ quốc mạnh giàu

Võ Lâm| 03/10/2020 06:35

(HNM) - 60 năm qua kể từ ngày Hà Nội - Huế - Sài Gòn làm lễ kết nghĩa, cán bộ, đảng viên, quân và dân ba thành phố đã nỗ lực không ngừng, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua của cả nước. Tình cảm keo sơn, gắn bó giữa ba thành phố ở ba miền của dải đất hình chữ S Việt Nam đã trở thành biểu tượng cho tình cảm ruột thịt của các tỉnh, thành phố trên cả nước; là động lực để xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày càng giàu mạnh.

Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng trong ngày kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn. Ảnh tư liệu

Nghĩa tình sắt son

Tối 8-10-1960, tại Câu lạc bộ Ba Đình (Hà Nội - nay nằm trong khu vực Nhà Quốc hội), Lễ kết nghĩa giữa ba thành phố Hà Nội - Huế - Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh) được tổ chức với sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu nhân dân ba địa phương.

Ngay ngày hôm sau (9-10-1960), bức thư “Ba thành phố chúng ta xưa nay vốn nặng tình keo sơn ruột thịt nhất định từ nay lại càng gắn bó thêm” của Ban Vận động kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn, gửi đồng bào Sài Gòn - Huế, được đăng trang trọng trên Báo Thủ đô Hà Nội (nay là Báo Hànộimới). Kể từ đó, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân ba thành phố đã biến những lời cam kết thiêng liêng thành hành động, lập nên những thành tích đáng tự hào.

Tại Hà Nội, nhiều phong trào thi đua trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội đều hướng về miền Nam ruột thịt. Các đơn vị phấn đấu giành vinh dự mang tên ba thành phố anh hùng, tình nguyện đi đầu trong việc đáp ứng cho Sài Gòn, Huế. Nhiều bông hoa kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn đua nhau nở rộ khắp Thủ đô như: Dòng điện vì miền Nam ở Nhà máy điện Yên Phụ, những chiếc xe ca du lịch “Bến Thành”, “Đông Ba” ở xí nghiệp đóng xe ca Hà Nội, những mét vải, hộp thuốc ngoài giờ trong phong trào “Hai triệu mét vải, một trăm tấn thuốc” tặng miền Nam...

Nhiều cơ sở của Hà Nội tổ chức kết nghĩa với cơ sở của Huế - Sài Gòn. Nhiều hợp tác xã nông nghiệp, thủ công ở Thủ đô đã lấy việc kết nghĩa làm động lực để tăng cường đoàn kết, nâng cao năng suất lao động. Một số trường học tại Hà Nội nuôi dạy một số học sinh Huế và Sài Gòn...

Trong những năm tháng hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hàng vạn cán bộ, thanh niên Thủ đô hết lớp này đến lớp khác đã xung phong lên đường vào miền Nam đánh giặc với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”... Hướng ra tiền tuyến, đâu đâu cũng diễn ra phong trào thi đua “mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, vì Huế - Sài Gòn kết nghĩa thân thương.

Trong 10 năm (1965-1975), Hà Nội đã tiến hành 29 đợt tuyển quân, động viên 8,6 vạn thanh niên nhập ngũ để bổ sung cho các quân binh chủng, trực tiếp chi viện cho các chiến trường. Hơn 11.561 người con ưu tú của Thủ đô Hà Nội đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp vẻ vang của dân tộc.

Thủ đô tiếp tục gương mẫu, đi đầu

Phong trào kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn đã dấy lên phong trào kết nghĩa giữa các tỉnh, thành phố miền Bắc với các tỉnh, thành phố miền Nam, tạo phong trào thi đua sôi nổi trong cả nước vì sự nghiệp củng cố miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà.

Ngày 15-4-1975, kỳ họp thứ tư (khóa VI) HĐND thành phố Hà Nội đã gửi 4 bức thư tới đồng bào và chiến sĩ Huế - Sài Gòn kết nghĩa, nội dung nêu rõ: “Nhân dân Thủ đô quyết tâm vươn lên phấn đấu thực hiện kế hoạch mới, quyết tâm làm tròn nghĩa vụ đối với miền Nam Anh hùng, với đồng bào Huế - Sài Gòn kết nghĩa…”.

Ngay sau ngày đất nước thống nhất, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã xác định nhiệm vụ trọng tâm, động viên và tổ chức các phong trào thi đua lao động, sản xuất xây dựng Thủ đô xã hội chủ nghĩa, đồng thời chi viện cán bộ và các nguồn lực giúp các tỉnh, thành phố ở miền Nam nhanh chóng ổn định tình hình sau giải phóng. Các văn nghệ sĩ Thủ đô Hà Nội đã hỗ trợ Huế - Sài Gòn phổ biến những sản phẩm văn hóa đậm tính dân tộc và lý tưởng cách mạng. Từ cuối tháng 4-1975, Thư viện Hà Nội phân công cán bộ đưa sách báo vào Huế, Sài Gòn... Ngành Y tế cử nhiều y, bác sĩ ở các bệnh viện của Thủ đô vào làm việc tại các vùng mới giải phóng. Tính đến cuối năm 1975 đã có 1.848 cán bộ được tăng cường cho các tỉnh, thành phố phía Nam. Sự chi viện về lực lượng cán bộ cho các thành phố Huế - Đà Nẵng - Sài Gòn đã góp phần tích cực củng cố thắng lợi và bảo đảm mọi hoạt động bình thường sau ngày giải phóng.

Năm 1997, ba địa phương Hà Nội - Huế - Sài Gòn đã thống nhất đẩy mạnh quan hệ hợp tác toàn diện. Hà Nội đã đầu tư vào Huế, thành phố Hồ Chí Minh trên nhiều lĩnh vực với tinh thần hợp tác nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của nhau. Năm 2005, lễ ký kết giao ước hợp tác - kết nghĩa giữa ba hội nhạc sĩ Hà Nội - Huế - thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra. Từ đó đến nay, giữa ba địa phương đã có nhiều mối quan hệ hợp tác và thu được một số kết quả đáng kể.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Thủ đô, gương mẫu đi đầu trong mọi lĩnh vực và đã đạt được nhiều thành tựu. Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp trên 16% tổng sản phẩm trong nước (GDP), 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước, ngày càng xứng đáng vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế.

Bước vào Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm kết nghĩa ba thành phố Hà Nội - Huế - Sài Gòn, Đảng bộ Thủ đô Hà Nội càng nhận thức sâu sắc hơn tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, tình cảm ruột thịt “là cây một cội, là con một nhà”, vai trò, vị trí Thủ đô, trái tim của cả nước. Chính vì vậy, Thủ đô quyết tâm: “Gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Động lực xây dựng Tổ quốc mạnh giàu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.