Sách

Động lực từ trang sách, cuộc đời những người khuyết tật

Hạ Yến 27/05/2024 - 06:17

Người ta vẫn nói, sức khỏe là quan trọng nhất với mỗi người. Nhưng khi đọc những trang sách về cuộc đời của những người khuyết tật thành công, mới thấy rằng, sức khỏe tuy quan trọng nhưng không quan trọng bằng thái độ sống.

Những con người ấy đã biến khiếm khuyết thành động lực và cơ hội, nỗ lực phi thường để khai phá hết sức mạnh tiềm ẩn, đi tới thành công.

img_9377.jpg
Dịch giả Nguyễn Bích Lan chia sẻ với độc giả về những tấm gương người khuyết tật thành công.

Ở tuổi 13, cô bé Nguyễn Bích Lan đã bắt đầu phải đối mặt với căn bệnh nan y loạn dưỡng cơ. Bác sĩ nói bệnh cô bé mắc phải không có thuốc chữa và tiên đoán cô bé khó qua được tuổi 18. Thế nhưng, đã 30 năm trôi qua, cô bé ngày nào đã vượt qua lời tiên đoán, trở thành dịch giả với hơn 50 đầu sách dịch tiếng Anh, trong đó có nhiều tác phẩm nổi tiếng như “Triệu phú khu ổ chuột”, “Lời nguyện cầu từ Chernobyl”, “Cây cam ngọt của tôi”...

Đặc biệt, cuốn tự truyện “Không gục ngã” của Nguyễn Bích Lan đã mang đến cho độc giả một bài học phi thường về nghị lực sống. Không ngồi chờ đợi điều kỳ diệu xảy ra, Nguyễn Bích Lan là phép màu của chính bản thân mình. Tìm ra mục đích sống, chấp nhận căn bệnh và không đổ lỗi cho người khác, không oán trách số phận, Nguyễn Bích Lan muốn sự tồn tại của mình trở nên có ý nghĩa. Chị đã tự học với quyết tâm lớn nhất, ý chí cao nhất và sự kiên trì, bền bỉ vô cùng tận.

Bên cạnh cuốn tự truyện, dịch giả Nguyễn Bích Lan còn mang đến cho các độc giả của mình câu chuyện diệu kỳ về chàng trai không tay chân Nick Vujicic qua các dịch phẩm đầy xúc động và đáng khâm phục: “Cuộc sống không giới hạn”, “Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng”, “Sống cho điều ý nghĩa hơn”, “Đứng dậy mạnh mẽ”.

Sinh ra không có một cơ thể lành lặn, Nick từng có ý định tự tử vì cho rằng cuộc sống của mình không có giá trị gì hết và bản thân mãi là gánh nặng cho người thân. Nhưng rồi, càng trưởng thành, Nick càng tự nhận thức về ý nghĩa của chính sự khuyết thiếu cơ thể mình, và đã trở thành một diễn giả truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên thế giới.

Anh cho rằng: “Cuộc sống không có giới hạn nào ngoài những giới hạn ta tự đặt ra cho chính bản thân mình”. Bởi chính bản thân anh đã nhận ra “tôi chưa bao giờ thật sự tàn tật cho đến khi tôi mất hy vọng”. Hy vọng, là liều thuốc tinh thần tốt đẹp và hữu hiệu, không chỉ xoa lành những buồn đau, tuyệt vọng mà còn hướng con người tới tương lai tươi sáng.

Tác giả Saliya Kahawatte trong cuốn tự truyện “My blind date with life” (“Cuộc hẹn hò mù quáng của tôi với đời” - tạm dịch) cũng đã kể rằng “mỗi ngày tôi đều tự đẩy mình đến giới hạn”. Khi đã không còn nhìn thấy được nữa, Saliya đã tập trung rèn luyện đôi tai bằng một sức mạnh ý chí phi thường để có thể tiếp tục “ở lại thế giới của những người mắt sáng và theo đuổi một sự nghiệp”. Sau này, khi đã thành công và nhìn lại cuộc sống của mình, Saliya nhận ra rằng, “chính những điều được cho là khiếm khuyết của bản thân đã cho phép tôi phát triển thành con người tôi hôm nay”.

Và chính Saliya Kahawatte, trong lời giới thiệu cuốn sách “Sống mãnh liệt” (của tác giả Rainer Zitelmann), khẳng định, những người khuyết tật thành công là những người đã “thay đổi nhận thức về bản thân, quyết tâm không cho phép những khuyết tật định nghĩa mình và dành toàn bộ năng lượng của mình để làm tăng thêm sức mạnh nội tại. Bất cứ khi nào có điều gì đó không hiệu quả, chúng tôi đều nghiêm túc xem xét bản thân, không để mình bị sa vào trò đổ lỗi, và sống hết mình với kỷ luật tối đa cho cái được gọi là “sự rèn luyện có ý thức”.

20 chân dung trong cuốn sách “Sống mãnh liệt” là 20 hành trình không thể tưởng tượng nổi nếu chưa thực sự đọc về cuộc đời của họ. Đó là James Holmann tuy bị mù nhưng đã đi xuyên địa cầu rộng lớn, đi “không dưới 250.000 dặm - bằng 10 lần chu vi trái đất và xa hơn khoảng cách giữa trái đất và mặt trăng”. Cũng không nhìn thấy ánh sáng, Erik Weihenmayer - anh chàng khiếm thị người Mỹ - đã chinh phục được 7 ngọn núi cao nhất thế giới. Danh ca mù Andrea Bocelli không chỉ là một trong số những ca sĩ người Italia thành công nhất mọi thời đại mà còn là một trong số ít các ca sĩ Italia biểu diễn trên cả sân khấu nhạc pop lẫn phòng nhạc cổ điển.

Johann König, người mù duy nhất trên thế giới sở hữu một phòng trưng bày mỹ thuật và là một trong những nhà môi giới tác phẩm mỹ thuật nổi tiếng nhất ở Đức. William Hickling Prescott dù bị mất thị lực nhưng đã nỗ lực trở thành nhà nghiên cứu sử học đầu tiên của nước Mỹ. Hay vận động viên khiếm thị nặng Marla Runyan đã thi đấu thành công ở Paralympic nhưng vẫn quyết tâm thử sức với các vận động viên không khuyết tật và đã 3 lần trở thành nhà vô địch Hoa Kỳ ở nội dung 5.000m.

Mỗi con người trong cuốn sách “Sống mãnh liệt” đều đang hoặc đã từng bị khuyết tật nặng nề. Nhưng họ đều có thể dùng sức mạnh ý chí to lớn của mình để đạt được tiềm năng tối đa và vượt trên những giới hạn về thể chất của mình. Đó là cô bé Helen Keller vừa mù vừa điếc nhưng đã trở thành nhà văn xuất chúng, được coi là một trong những biểu tượng của nước Mỹ. Là Ludwig Van Beethoven, người đã gần như điếc hoàn toàn khi trở thành nhà soạn nhạc nổi tiếng với những kiệt tác, đặc biệt là “Bản giao hưởng số 9”. Là Thomas Quasthoff được sinh ra với dị tật nghiêm trọng ở tay và chân nhưng đã trở thành một trong những giọng nam cao vĩ đại nhất còn sống. Là Margarete Steiff phải ngồi xe lăn bởi bệnh bại liệt nhưng đã trở thành doanh nhân thành đạt với sản phẩm đồ chơi thú nhồi bông mà đặc biệt là chú gấu Teddy nổi tiếng. Là nhà vật lý về hố đen Stephen Hawking mắc bệnh xơ cứng teo cơ từng được tiên đoán chỉ sống thêm được 2 năm, nhưng thực tế ông đã sống thêm 50 năm và trở thành “bậc thầy về vũ trụ”.

“Chúng ta có thể học được gì từ những người khuyết tật thành công?” - tác giả của cuốn sách “Sống mãnh liệt”, nhà sử học và xã hội học Rainer Zitelmann, khẳng định: “Một trong những phẩm chất mà tất cả những người trong cuốn sách này đều có là họ không bao giờ bỏ cuộc, ngay cả khi đối mặt với những thách thức lớn nhất từng có”. Những người khuyết tật thành công không bao giờ tự coi mình là nạn nhân, mà họ coi bản thân là người tạo ra số phận của chính mình. Và cuộc đời họ là minh chứng rõ ràng nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Động lực từ trang sách, cuộc đời những người khuyết tật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.