Theo dõi Báo Hànộimới trên

Động lực tiếp đà phát triển

Thiện Mỹ| 07/11/2022 07:02

(HNM) - Kết thúc tháng 10, nền kinh tế nước ta tiếp dòng chủ lưu là phục hồi, phát triển tích cực sau đại dịch Covid-19. Bức tranh sáng của nền kinh tế được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 29-10 là: “5 cân đối lớn của chúng ta là thu đủ chi; xuất đủ nhập; làm đủ ăn; cung cầu lao động, an ninh năng lượng được bảo đảm”.

Tổng quan nền kinh tế tháng 10 và 10 tháng năm 2022 của Việt Nam cho thấy sự phục hồi và bứt tốc mạnh mẽ trên hầu hết lĩnh vực. Trong đó, có những chỉ dấu cho thấy sự phát triển của nội lực như: Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát. Các cân đối lớn được bảo đảm khi thu ngân sách nhà nước 10 tháng ước đạt 103,7% dự toán, tăng 16,2%; an ninh lương thực được bảo đảm, xuất khẩu lương thực đạt 45 tỷ USD... Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp tiếp đà phục hồi và tăng trưởng; thương mại, dịch vụ, du lịch sôi động. Số doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động trong 10 tháng là 178.500, tăng 38,3% so cùng kỳ, gấp gần 1,5 lần số doanh nghiệp rút lui...

Với sự phát triển thực lực, Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao và nhận định lạc quan về tình hình phát triển trong thời gian tới. Tạp chí Nikkei Asia đánh giá, Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về đà phục hồi sau đại dịch Covid-19 (đứng thứ 8 thế giới). Còn theo Tổ chức Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm sáng trong xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia toàn cầu và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới (tăng 74% giai đoạn 2019-2022)...

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, kết quả khá toàn diện nêu trên không phải là “bất chiến tự nhiên thành”, mà đến từ việc chủ động hoạch định chính sách trúng và đúng của Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương. Nói một cách cụ thể hơn là việc áp dụng những chính sách về tiền tệ, tài khóa phù hợp với thực tiễn; là những quyết sách lớn để kiềm chế và đưa lạm phát vào tầm kiểm soát; là giải pháp ổn định thị trường xăng dầu và bảo đảm cung - cầu hàng hóa...

Dù vậy, khó khăn trước mắt còn đó bởi những biến động lớn, phức tạp trên thế giới có thể vượt dự báo, trong khi nền kinh tế trong nước vẫn chịu tổn thương sau đại dịch Covid-19... Trước những nhiệm vụ quan trọng đặt ra trong thời gian tới, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu: “Phản ứng chính sách phải kịp thời, chính xác, hiệu quả hơn nữa”.

Thực tế trong suốt thời kỳ nóng bỏng của đại dịch Covid-19; giai đoạn thị trường xăng dầu bị xáo trộn và tăng giá vừa qua; rồi nguy cơ lạm phát hiện nay... đã chứng minh việc “phản ứng chính sách kịp thời, chính xác” của Quốc hội, Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương đã phát huy hiệu quả, giúp nền kinh tế ổn định, phát triển và bảo đảm an sinh xã hội. Vì thế, trong dài hạn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải làm “hiệu quả hơn nữa”, để vừa hoàn thành thắng lợi các mục tiêu của năm 2022, vừa là động lực quan trọng tiếp đà phát triển cho giai đoạn tới.

Trên tinh thần này, những vấn đề “nóng”, đang cần quan tâm và giải quyết một cách cấp bách, khẩn trương là: Phòng chống dịch bệnh, lãi suất, tỷ giá, bình ổn thị trường cuối năm, tăng lương cho người lao động... Thực tiễn này đòi hỏi các cơ quan hoạch định chính sách phải bám sát đời sống xã hội, có đánh giá kỹ lưỡng sự tác động nhiều chiều cùng những dự đoán sắc bén cho cả ngắn hạn và dài hạn.

Các bộ, ngành và các cấp chính quyền cũng cần nắm chắc và làm tròn trách nhiệm, đúng quyền hạn và thẩm quyền của đơn vị mình. Nhiệm vụ quan trọng là tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ; quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo, điều hành từ cấp trên. Các cơ quan quản lý cần sát sao, hiểu rõ mọi diễn biến lớn của tình hình thế giới để đưa ra được những khuyến cáo, định hướng cần thiết về sự tác động; đồng thời tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất, kinh doanh; có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để khơi thông mọi nguồn lực phát triển.

Đặc biệt, các cơ quan chức năng, các cấp thẩm quyền cần có sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, phải luôn đặt mục tiêu vì lợi ích chung, đại cục; tránh hiện tượng chỉ lo quyền lợi cho ngành mình, bộ mình, địa phương mình. Đây là điều kiện tiên quyết để các vướng mắc sẽ được khẩn trương tháo gỡ, mọi công việc có tiếng nói chung, đạt sự đồng thuận, đưa ra được những chính sách tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp yên tâm đầu tư lâu dài.

Các cơ chế, chính sách là sản phẩm của trí tuệ tập thể, song rất cần mỗi cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới. Kết tinh những điều này sẽ tạo ra phản ứng chính sách đúng, trúng và kịp thời, là động lực tiếp đà phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Động lực tiếp đà phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.