Theo dõi Báo Hànộimới trên

Động lực phát triển kinh tế và đô thị Thủ đô

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm| 02/09/2021 06:21

(HNM) - Theo định hướng quy hoạch xây dựng chung, Thủ đô Hà Nội sẽ phát triển theo mô hình chùm đô thị, gồm đô thị trung tâm và 5 khu đô thị vệ tinh: Hòa Lạc, Sóc Sơn, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên. Việc tổ chức không gian đô thị Hà Nội theo mô hình này được kỳ vọng là động lực mới quan trọng cho phát triển kinh tế và đô thị Thủ đô.

Công ty cổ phần Kỹ thuật Á Châu thuộc Khu công nghệ cao Hòa Lạc có dây chuyền sản xuất với công nghệ hiện đại, sản xuất ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Nhận diện để đột phá

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ) đã định hướng phát triển Hà Nội theo mô hình chùm đô thị gồm đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh (Hòa Lạc, Sóc Sơn, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên) và các thị trấn sinh thái.

Mô hình chùm đô thị - đô thị vệ tinh đã được nhiều nước áp dụng, song chức năng, tính chất khác với mô hình Việt Nam đã lựa chọn. Đây là học tập kinh nghiệm nước ngoài có chọn lọc, là sáng tạo của Việt Nam. Các đô thị vệ tinh có tính độc lập tương đối không lệ thuộc hoàn toàn vào đô thị trung tâm và kết hợp chức năng là đầu mối với vùng, các tỉnh lân cận, là động lực cho phát triển ngoại thành. Ngoài 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn vừa giữ vai trò trung tâm của huyện, vừa góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, vừa xây dựng thành đô thị sinh thái đặc thù (như các thị trấn: Phùng, Kim Bài, Vân Đình, Thường Tín, Chúc Sơn…).

Xây dựng các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái tạo tiền đề để thực hiện mục tiêu phát triển Thủ đô. Theo đó, cấu trúc chùm đô thị giúp Hà Nội có bước đi thích hợp để đẩy mạnh đô thị hóa, đồng thời tạo lập các vành đai xanh, nêm xanh đáp ứng vị thế Hà Nội là đô thị đặc biệt, đô thị xanh. Mỗi đô thị vệ tinh có chức năng đặc thù để tích hợp, tạo nên vị thế trung tâm đa ngành phát triển bền vững của Hà Nội với cả nước. Mô hình chùm đô thị cũng là giải pháp tối ưu cho phân bố dân cư hợp lý, giảm áp lực vào đô thị trung tâm. 5 đô thị vệ tinh hình thành sẽ tạo lập được quỹ đất lớn với 35.000ha, các thị trấn có quỹ đất khoảng 5.500ha, tạo điều kiện đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đổi mới cơ cấu đầu tư và khởi nghiệp sáng tạo, góp phần tạo nên gần 38% quỹ đất xây dựng, phát triển đô thị theo chỉ tiêu đến năm 2030.

Việc phát triển đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái còn tạo động lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trong thành phố, trong vùng, quốc gia và thúc đẩy xây dựng nông thôn mới Thủ đô có chất lượng cao, đáp ứng tiêu chí của đô thị loại đặc biệt.

Nhiều kết quả đáng ghi nhận

Hơn 10 năm qua, việc phát triển theo mô hình chùm đô thị đã được thành phố quan tâm và đến nay đã đạt những kết quả nhất định. Quy hoạch phân khu phủ kín gần 95% diện tích, trong đó có 5 quy hoạch chung đô thị vệ tinh. Thành phố cũng dẫn đầu cả nước khi hoàn thành phê duyệt 401 quy hoạch xã nông thôn mới.

Xác định 5 đô thị vệ tinh là 5 trung tâm phát triển của Thủ đô trong tương lai, kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông khung kết nối các đô thị vệ tinh, thị trấn với đô thị trung tâm cũng đã được đầu tư xây dựng. Trong đó có các công trình giao thông khung kết nối đô thị trung tâm với 5 đô thị vệ tinh và vùng Thủ đô, như: Quốc lộ 1A, quốc lộ 3, quốc lộ 6, quốc lộ 21, quốc lộ 21B; trục Tây Thăng Long, Ngọc Hồi - Phú Xuyên, đường trục phía Nam; các đường vành đai… Nhiều công trình đã hoàn thành, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa nơi tuyến đường đi qua, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, kéo nông thôn về gần với thành thị. Hà Nội cũng đã nhận diện, xây dựng cơ chế chính sách đặc thù để bảo tồn, phát huy giá trị các di sản trong các đô thị vệ tinh, thị trấn để bảo đảm phát triển bền vững, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

Tuy vậy, thực tế còn một số tồn tại như: Một số mục tiêu, nhiệm vụ quy hoạch liên quan đến đô thị vệ tinh chưa đạt tiến độ đề ra; hoạt động đổi mới sáng tạo đã có khởi sắc nhưng chưa tương xứng với tiềm năng từ mô hình chùm đô thị và tạo sức hút vào đô thị vệ tinh; công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch tại các đô thị vệ tinh chưa có đột phá để hấp dẫn đầu tư.

Hơn 10 năm qua, việc triển khai đô thị vệ tinh còn chậm do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Do đó, việc thực hiện định hướng từ quy hoạch chung đã duyệt đang là áp lực trong giai đoạn tới. Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đã xác định 3 khâu đột phá, trong đó đều đề cập đến phát triển đô thị vệ tinh. Trong tổ chức nghiên cứu điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô… cũng đã đề cập đến các giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu tác động đến thực hiện mô hình chùm đô thị.

Để thực hiện, Hà Nội đã ban hành kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo thành phố chỉ đạo tổ chức lập Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; chỉ đạo các đơn vị tập trung rà soát tình hình lập, triển khai các quy hoạch, các dự án đầu tư theo quy hoạch được duyệt và kế hoạch thực hiện; đánh giá các chỉ tiêu về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật tại từng khu vực và toàn thành phố; tiếp tục cụ thể hóa các chỉ tiêu phát triển đô thị, danh mục và lộ trình triển khai Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô...

Chắc chắn, mô hình chùm đô thị Thủ đô với mục tiêu đã xác định sẽ góp phần phát triển Thủ đô “xanh - thông minh - hiện đại”, năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, tạo chất lượng sống cao cho người dân Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Động lực phát triển kinh tế và đô thị Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.