Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng hành cùng dân tộc

Nhà báo Nguyễn Uyển| 20/04/2015 06:19

(HNM) - Suốt cuộc đời vì dân vì nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn lấy báo chí làm phương tiện truyền bá và định hướng hành động cách mạng cho đối tượng vận động của mình.

Làm báo là làm cách mạng

Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định phương tiện tốt nhất để giáo dục, truyền bá, để bồi dưỡng tư tưởng cách mạng vô sản, để vận động cách mạng tốt nhất và trước hết chính là báo chí; là tờ báo của người Việt Nam, viết cho người Việt Nam, phục vụ người Việt Nam. Cho nên, ngay từ khi ở Liên Xô trở về phương Đông vào đầu năm 1925 tại Quảng Châu (Trung Quốc), cùng với việc bắt tay thành lập tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, biên soạn tài liệu, mở lớp đào tạo thanh niên, Người đồng thời sáng lập ra tờ báo Thanh Niên. Đó là tờ báo cách mạng đầu tiên, tờ báo vô sản đầu tiên của người Việt Nam, xuất bản số đầu vào ngày 21-6-1925.

Các thế hệ nhà báo Việt Nam luôn luôn phấn đấu xứng danh “Nhà báo cũng là chiến sĩ cách mạng” như Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy bảo. Ảnh: Viết Thành


90 năm đã qua là 90 năm Báo chí Việt Nam gắn kết với nhau đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng gian nan nhưng hết sức vẻ vang của dân tộc do Bác và Đảng chỉ đường dẫn lối. Sự mẫu mực của Báo Thanh Niên do Người chủ trì (dù chỉ tồn tại trong hơn 2 năm) nhưng đã thực sự nêu cao ngọn cờ tuyên truyền, vận động và tổ chức cách mạng trong nước, hướng tới yêu cầu cấp bách và tất yếu là xây dựng và thành lập Đảng. Đó là tờ báo cách mạng mẫu mực ở thời điểm đó, bởi nó thực sự đảm trách vai trò là cơ quan ngôn luận của tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội.

Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thắng lợi. Vận hội mới mở ra. Báo chí cách mạng ra hằng ngày, hằng tuần nở rộ, trưởng thành và phát triển... Các cơ quan báo chí chính thống của Đảng và Nhà nước với nhiều loại hình ra đời, nhanh chóng định hình vị thế của mình, như: Đài Tiếng nói Việt Nam (7-9-1945), TTXVN (15-9-1945), Báo Nhân dân (11-3-1951), Báo Quân đội nhân dân (20-10-1950)... Khi hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước oanh liệt nhất của dân tộc diễn ra thì tính cách mạng của báo chí thể hiện hết sức rõ ràng. Tính cách mạng, chất lượng thông tin báo chí và trách nhiệm chính trị của người làm báo cách mạng ngày càng được nâng cao, nhất là từ khi tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam ra đời (21-4-1950), tới nay đã 65 năm với 9 kỳ đại hội, luôn gắn kết chặt chẽ giới báo chí cả nước phục vụ đắc lực sự nghiệp cách mạng của đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Theo dòng thời cuộc, Hội Nhà báo kết hợp ngày càng chặt chẽ với các cơ quan chỉ đạo và quản lý báo chí trong định hướng tuyên truyền; bồi dưỡng chính trị và kỹ năng nghiệp vụ cho hội viên nhà báo. Đại diện cho giới báo chí nước nhà góp sức xây dựng chế độ, chính sách và pháp luật về thông tin báo chí và bảo vệ các nhà báo trong hoạt động nghiệp vụ theo luật định.

Suốt chặng đường lịch sử cách mạng, chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ biên cương phía Nam, phía Bắc, gìn giữ biển đảo... cùng sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, báo chí Việt Nam luôn luôn thể hiện khí phách của dân tộc Việt Nam, luôn hướng tới mục tiêu trước nhất là: Vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội... Tính cách mạng của báo chí (30 năm đổi mới vừa qua) không chỉ góp phần vào sự nghiệp đổi mới tư duy do Đảng khởi xướng, mà chính báo chí và Hội Nhà báo các cấp cũng thực sự năng động, đổi mới thông tin. Thông tin đa dạng nhiều chiều, cổ vũ mạnh mẽ cho sự nghiệp Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh luôn là cốt lõi của thông tin. Nhờ đó, báo chí Việt Nam hiện nay đã như một bộ phận tất yếu cấu thành xã hội hiện đại, luôn được Đảng tin, dân mến, xã hội nể trọng...

Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng

Lời dạy của Bác Hồ kính yêu tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam (tháng 9-1962) cứ âm vang trong mỗi chúng ta: "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng, cây bút trang giấy là vũ khí sắc bén của họ..."! Lời Bác như "Thần lực" khiến các thế hệ nhà báo chúng ta quyết chí xung trận, nhất là ở những thời điểm cách mạng gian nan, quyết liệt nhất. Hơn 400 nhà báo hy sinh anh dũng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, góp sức cùng dân tộc đưa non sông thu về một mối, là minh chứng hùng hồn về sức mạnh kỳ diệu của các nhà báo vâng theo lời Bác.

Nhà báo "nơi đầu nguồn sự kiện" với bổn phận thông tin nhanh, chân thực, lấy chính trị làm trọng, phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước là trọng trách tối thượng. Bởi thế, đã theo nghề, coi báo chí là cái nghề - cái nghiệp, thì ai ai và ở nơi đâu cũng nằm lòng lời dạy của Bác kính yêu: "Những người viết báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành...) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì việc khác mới đúng". "...Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa, chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động"! (Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ III) Huấn thị ấy của Bác - lãnh tụ vĩ đại của dân tộc - người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam, khiến chúng ta rõ thêm: Nhà báo phải là người vừa phản ánh thực tiễn, vừa phải góp phần cải tạo thực tiễn; vừa thông tin, vừa hướng dẫn dư luận xã hội. Nhà báo phải tuyệt đối tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp; không nói dối, không nói sai, không để những kẻ cơ hội lợi dụng báo chí, và hơn thế phải chịu trách nhiệm về những gì mình đã loan tin.

Học Bác, tự rèn, bồi bổ kỹ năng tác nghiệp qua các lớp nghiệp vụ chuyên sâu của Hội Nhà báo Việt Nam luôn là yêu cầu nhất thiết của các nhà báo ở thì hiện tại cũng như mai sau. Quan điểm nhất quán của Người trong viết báo luôn luôn hướng tới mục tiêu duy nhất là: Vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội! Vậy mà mỗi khi đặt bút viết Người vẫn tự vấn: Viết cho ai? Viết để làm gì?... nhằm định rõ chủ đích cho tác phẩm, chủ đích của đối tượng cần tuyên truyền. Phong cách báo chí Hồ Chí Minh thực sự soi sáng đường cho những Chiến sĩ báo chí Việt Nam nối tiếp nhau đồng hành cùng dân tộc suốt chiều dài lịch sử đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, chiến đấu chống cái xấu, cái ác; hết lòng vun đắp cho nhân tố mới, cho sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo...

Quả thực đã theo với nghề nghiệt ngã, nghề hiểm nguy và gian nan - dù viết để đấu tranh với kẻ thù, để chống giặc "nội xâm", hay để ngợi khen nhân tố mới, con người mới, điển hình tiên tiến... thì các nhà báo đều phải tiếp nhận thông tin, tiếp cận sự kiện, tư liệu phong phú; phải sắc sảo trong xử lý thông tin và quyết đoán khi loan tin. Nếu nhà báo nói dối, nói sai, để kẻ xấu, bọn tham nhũng, cơ hội chính trị lợi dụng thì chẳng những nhà báo bị mất danh mà uy tín của báo chí cũng bị suy giảm - như thế đủ thấy sự nghiệt ngã của nghề nghiệp. Mà nhà báo thì luôn luôn chịu sự đòi hỏi gắt gao về tính trung thực và tinh thần trách nhiệm cao trước dân, trước Đảng. Sự trong sáng luôn phải thường trực trong lòng mỗi một nhà báo. Trong sáng, ngay thẳng, minh bạch, rõ ràng, chính xác trong đấu tranh chống tiêu cực. Không có ít xít ra nhiều; vụ lợi biến đỏ thành đen... Bởi Người quan niệm, báo chí là vũ khí, là phương tiện để phê bình và tự phê bình rất lợi hại. Phê bình là để cho nhau tiến bộ, tốt hơn lên, đẹp hơn lên: "Dao có mài mới sắc - vàng có thui mới trong. Nước có lọc mới sạch - Người có phê bình mới tiến bộ. Đảng cũng thế"! Ấy là phẩm chất chiến sĩ cách mạng của hết thảy nhà báo của chúng ta đã học và làm theo Bác... Trong sáng, ngay thẳng, trung thực khi viết về nhân tố mới, người tốt - việc tốt, về điển hình tiên tiến... mà Người đã chỉ bảo cặn kẽ cho cán bộ làm công tác tuyên truyền: "Lấy gương tốt trong quần chúng nhân dân và đảng viên mà giáo dục lẫn nhau - đó chính là một cách tuyên truyền giáo dục Chủ nghĩa Mác - Lênin thiết thực nhất"! Lời nhắc nhở ấy của Người, báo giới và các nhà báo chiến sĩ cách mạng của chúng ta rất coi trọng và làm theo khiến cho chất lượng thông tin báo chí không ngừng đổi mới, đa dạng, nhiều chiều cuốn hút bạn đọc.

Có thể khẳng định: Suốt chặng đường cách mạng 90 năm qua, các thế hệ nhà báo Việt Nam nối tiếp nhau, từ vài trăm nay lên tới trên 22.000 nhà báo (được cấp thẻ) luôn luôn phấn đấu vượt lên chính mình để xứng danh: "Nhà báo cũng là chiến sĩ cách mạng" như Bác Hồ kính yêu đã dạy bảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng hành cùng dân tộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.