(HNM) - Một trong những nhiệm vụ chủ yếu mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ TP Hà Nội đặt ra là tiếp tục tạo chuyển biến mạnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, nâng cao vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý; xây dựng hệ thống chính trị các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh. Thực hiện nhiệm vụ này, trước hết với cấp chính quyền cơ sở - hệ thống xã, phường, thị trấn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Vì sao lại nói như vậy? Vì chính đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn là những người trực tiếp tổ chức đưa các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước vào cuộc sống. Họ cũng là những người gần gũi dân nhất, đồng thời là kênh tiếp nhận "phản hồi" của người dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Nhiệm vụ này được đặt ra trong bối cảnh những năm qua, bên cạnh những đóng góp tích cực, to lớn cho công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, phường, thị trấn có nơi, có lúc vẫn còn những mặt tồn tại, đó là: Chất lượng đội ngũ chưa đồng đều, năng lực phục vụ người dân có mặt hạn chế... Đáng chú ý, có hiện tượng kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm, thậm chí sách nhiễu, tiêu cực...
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền cơ sở, mỗi cán bộ, công chức phải quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, các quy định pháp luật của Nhà nước và mới đây nhất là Chỉ thị 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Nói một cách cụ thể, mỗi cán bộ, công chức ở cơ sở có thể thông qua những việc làm tưởng chừng đơn giản nhưng lại là chuyện "biết rồi, khổ lắm, vẫn phải nói" như không sử dụng thời gian làm việc vào việc riêng; không sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc; không vào casino đánh bạc dưới mọi hình thức... Đấy có thể là những việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại thể hiện sự trọng dân, gần dân, lắng nghe dân... Đấy còn là những việc góp phần xây dựng văn hóa công sở, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính... trên tinh thần xem mình là công bộc của dân, là người phục vụ nhân dân. Cùng với sự nỗ lực, cố gắng của mỗi cán bộ, công chức, cần có cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Trong đó, mọi biểu hiện vi phạm đều phải được ngăn chặn, chấn chỉnh; mọi hành vi lợi dụng chức năng, nhiệm vụ để gây nhũng nhiễu, phiền hà người dân, doanh nghiệp... phải được xử lý nghiêm minh.
Thành phố đặt ra mục tiêu xây dựng một chính quyền phục vụ, vì dân. Trong việc thực hiện mục tiêu ấy, vai trò của mỗi cán bộ, công chức ở hệ thống chính quyền cấp cơ sở có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thực tế cho thấy để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn, có rất nhiều vấn đề cần giải quyết ở tầm vĩ mô như quy hoạch đội ngũ cán bộ, vấn đề chế độ, chính sách... Đây là "chuyện nóng", không chỉ của Hà Nội mà của cả các tỉnh, thành phố khác. Song trước hết, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính là giải pháp có ý nghĩa cấp bách, quan trọng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Cấp xã là gần gũi dân nhất, là nền tảng của hành chính. Cấp xã làm được việc thì mọi công việc đều xong xuôi". Mang tinh thần tận tụy, vì dân, tự rèn giũa, rèn luyện mình, giữ nghiêm kỷ luật hành chính, kỷ cương - phép nước tức là mỗi cán bộ, công chức ở hệ thống chính quyền cơ sở đang đóng góp tích cực cho sự thành công trong "mọi công việc" của Thủ đô và đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.