(HNM) - Bộ sách “Hà thành hương xưa vị cũ”, của tác giả Vũ Thị Tuyết Nhung, được Công ty TNHH Sách và Truyền thông Việt Nam (Tri Thức Trẻ Books) ra mắt đúng dịp Tết Nguyên đán năm nay, đưa bạn đọc bước vào miền ẩm thực tinh tế, đặc sắc, đong đầy cảm xúc của đất Kẻ Chợ, luôn gây nhớ thương cho biết bao người, nhất là những món ăn ngày Tết.
Bộ sách “Hà thành hương xưa vị cũ” gồm 2 tập, nằm trong Tủ sách “Hà Nội - Phố và người” mà Tri Thức Trẻ Books mới ra mắt gần đây, với mong muốn kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật của Hà Nội nói riêng và của cả nước nói chung. Tủ sách hiện đã xuất bản được nhiều tựa sách với những chủ đề khác nhau, cung cấp những thông tin, tư liệu giá trị đan xen những câu chuyện xưa, chuyện nay giàu cảm xúc, đa giọng điệu, đem đến những góc nhìn đa dạng để độc giả thêm hiểu và yêu quý mảnh đất Hà thành. Có thể kể đến là bộ sách “Chuyện người Hà Nội”
(3 tập) của nhiều tác giả, du khảo “Hà Nội chuyện xưa phố cũ” của tác giả Tạ Thu Phong, chuyên khảo “Tứ trấn Thăng Long - Hà Nội” của tác giả Nguyễn Doãn Minh, khảo cứu “Hà Nội một thuở phố và người” của tác giả Nguyễn Việt Cường, sách tư liệu “Quán Thánh” của tác giả Nguyễn Đức Dũng, tản văn “Những đứa con của cây cầu Long Biên” của tác giả Đông Di, “Tản mạn bóng đá Hà thành” của tác giả Hồ Công Thiết… Trong đó, bộ sách “Hà thành hương xưa vị cũ” của tác giả Vũ Thị Tuyết Nhung tạo dấu ấn nhất định.
Là người Hà Nội gốc, dành tình yêu đặc biệt cho ẩm thực Hà Nội, tác giả Vũ Thị Tuyết Nhung cũng đã có những tác phẩm về các món ăn ngon của Hà Nội được độc giả yêu mến như “Đặc sản bốn phương hội tụ” (Nhà Xuất bản Hà Nội), “Hà Nội mến thương” (Nhà Xuất bản Hội Nhà văn)… Song “Hà thành hương xưa vị cũ” gồm 2 tập là bộ sách đầy đặn hơn, vừa khảo cứu chi tiết, tỉ mỉ về các món ăn đặc trưng của mảnh đất Kinh kỳ, vừa kể những câu chuyện đầy hoài niệm của tác giả xung quanh ẩm thực, dễ gây thương nhớ cho độc giả. Tập 1 “Ký ức từ căn bếp phố cổ” là hoài niệm về những kỷ vật, những nếp cũ, người xưa ở phố cổ. Độc giả được biết rõ về những món ngon được bày biện trong bữa cơm thường nhật, ngày giỗ và đặc biệt là cỗ Tết của người dân phố cổ với canh bóng thả nấm, xôi gấc, nem Hà Nội, giò lụa, chả quế… được bày biện đẹp mắt, nhiều màu sắc. Phía sau đó là hình bóng của những người phụ nữ phố cổ khéo léo, tận tình và dồn hết yêu thương vào từng món ăn nơi căn bếp nhỏ…
Tập 2 “Món ngon từ làng ra phố” cho thấy sự phong phú, đa dạng và tinh tế của ẩm thực Hà Nội. Tác giả dẫn dắt người đọc thưởng thức những đặc sản mà mình đã từng trải nghiệm, thưởng thức, từ món chính đến món ăn vặt, theo các mùa xuân, hạ, thu, đông… Có thể nhắc đến một số món như bún Tứ Kỳ, bánh gai Yên Sở, bánh nhót Triều Khúc, hồng xiêm Xuân Đỉnh, dưa cà Đình Gừng, bún ốc Khương Thượng, đậu phụ Kẻ Mơ, măng mực Bát Tràng, bánh chưng Tranh Khúc... Có cả những thứ rất nhỏ nhưng đầy hương vị và tạo nên nét riêng cho ẩm thực Hà thành như: Quất chín, quất xanh, trám đen, trám trắng, mắm tôm, mắm rươi, giấm bỗng, riềng tỏi... Tác giả cũng nhắc tỉ mỉ hơn với những món đặc sản dường như ngày nay đang dần bị lãng quên. Để thực hiện được bộ sách khảo cứu này, tác giả Vũ Thị Tuyết Nhung chia sẻ, đã dành nhiều năm đi khắp các ngóc ngách của Thủ đô, tìm những địa chỉ tinh hoa nhất, danh tiếng nhất, nhằm vẽ nên bản đồ ẩm thực đất Hà thành…
Thực ra, “Hà thành hương xưa vị cũ” đã được ra mắt độc giả từ năm 2021. Nhưng để đưa sách vào Tủ sách “Hà Nội - Phố và người”, tác giả đã tách cuốn sách thành 2 tập, đồng thời nới rộng cả về số lượng các món ăn và điểm nhìn. Các món ăn không còn chỉ giới hạn ở trong căn bếp phố cổ gắn liền với những người thân thương, những món ăn do người Hà Nội chế biến, mà còn có cả những món đặc sản của các miền đất khác được đưa về Hà Nội, như giò cua, giò nây Thái Bình… Tác giả cũng bổ sung nhiều ảnh món ăn do bà tự làm theo đúng hương vị xưa cũ. Bởi bộ sách không chỉ hướng đến độc giả trong nước mà còn mong muốn chinh phục độc giả nước ngoài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.