(HNM) - Trong những năm qua, công tác quy hoạch đã được các ngành, các cấp triển khai tích cực và rộng khắp trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Tuy vậy, bên cạnh việc những mặt đạt được, công tác quy hoạch hiện cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Đó là hệ thống quy hoạch cồng kềnh, chồng chéo, trùng lắp gây tốn kém nguồn lực và giảm hiệu lực các quy hoạch. Việc phân cấp mạnh mẽ cho các bộ, ngành, địa phương nhưng chưa có cơ chế phối hợp chặt chẽ dẫn đến sự chia cắt, mâu thuẫn của các quy hoạch. Chất lượng nhiều quy hoạch thấp, tầm nhìn ngắn hạn chủ yếu do hạn chế của đội ngũ những người tham gia quá trình lập, thẩm định quy hoạch...
Chính vì vậy, với việc thảo luận để ban hành dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch để đồng bộ với Luật Quy hoạch tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV lần này được kỳ vọng sẽ có những giải pháp để khắc phục tình trạng trên. Cụ thể, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến quy hoạch lần này sẽ sửa đổi, bổ sung 37 luật. Theo đó, dự thảo gồm 32 điều; trong đó có 31 điều quy định việc sửa đổi các luật và 1 điều về quy định hiệu lực thi hành luật.
Tuy còn một số ý kiến khác nhau, song mục tiêu của dự án luật khi được thông qua là tránh tạo ra các khoảng trống pháp lý, sự trùng lắp, xung đột, mâu thuẫn về nội dung giữa các quy hoạch cũng như những vướng mắc trong lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch, góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư, kinh doanh. Tuy vậy, mấu chốt của vấn đề là phải giải quyết được tính đồng bộ và thống nhất trong hệ thống quy hoạch.
Thực tế cho thấy, Luật Quy hoạch là một luật khó, phức tạp vì liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Chính vì thế, Luật Quy hoạch khi được Quốc hội thông qua được coi là một cuộc cách mạng lớn trong hoạt động quy hoạch. Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung các luật cần thực hiện theo nguyên tắc đồng bộ xuyên suốt, trong đó lấy Luật Quy hoạch làm gốc. Trên cơ sở đó, các luật khác có liên quan phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với Luật Quy hoạch, không quy định lại, quy định trái nội dung đã được quy định tại Luật Quy hoạch; bãi bỏ các quy hoạch về phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể đang là các “giấy phép con” cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, để bảo đảm tính thống nhất của các loại quy hoạch, phải khắc phục được việc không quy định cùng một cấp có hai quy hoạch với nội dung và giá trị pháp lý như nhau. Chẳng hạn, quy hoạch tỉnh và quy hoạch xây dựng tỉnh là quy hoạch cùng một cấp, với nội dung, phạm vi và mức độ chi tiết giống nhau là không hợp lý. Nếu quy định như vậy, các tỉnh sẽ đồng thời phải lập hai loại quy hoạch, gây lãng phí về thời gian và kinh phí cho xã hội, tạo thêm thủ tục chồng chéo, gây khó khăn, phức tạp và không bảo đảm tính thống nhất. Ngoài ra, các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh cần quy định cụ thể về: Phạm vi, nội dung, bảo đảm không có sự trùng lặp giữa các quy hoạch; về thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch...
Bảo đảm được tính đồng bộ, thống nhất cũng chính là giải quyết xung đột giữa các ngành, các địa phương trong thực hiện các quy hoạch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.