(HNM) - Theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI), Việt Nam nằm trong nhóm nước có tình hình tham nhũng nghiêm trọng, thậm chí còn nghiêm trọng hơn so với các nước Châu Á khác như Brunei, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc...
Trong khi đó, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam công bố tuần trước cho thấy: Có tới 44% (trong 14.000 người được hỏi) cho biết phải "bôi trơn" để được cấp sổ đỏ, tăng mạnh so với tỷ lệ 24% của năm 2014. Tương tự, tình trạng "lót tay", "bồi dưỡng" cũng xảy ra khi người dân xin giấy phép xây dựng, đi khám chữa bệnh, xin học cho con...
Những thông tin trên cho thấy tình trạng tham nhũng ở Việt Nam đã trở thành hiện tượng xã hội đáng lo ngại. Tham nhũng không chỉ gây thiệt hại về kinh tế xã hội, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh chính trị, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Từ lâu Đảng và Nhà nước ta đã nhận định tham nhũng là một vấn đề cấp bách, nếu không được giải quyết sẽ là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng ta và nhân dân ta đang quyết tâm xây dựng. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII cũng nêu rõ: Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi...
Không thể phủ nhận những nỗ lực của các cơ quan chức năng trong "cuộc chiến" chống tham nhũng. Tuy nhiên, mặc dù nhận định tham nhũng đang hiện hữu, nhưng tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN), nhiều bộ, ngành, địa phương đều báo cáo “không phát hiện tham nhũng” hoặc "không có tham nhũng". Đó thực sự là một nghịch lý!
Có nhiều nguyên nhân khiến kết quả PCTN chưa như mong muốn, cụ thể là có rất ít vụ việc tham nhũng bị đưa ra ánh sáng. Đó là tình trạng suy thoái phẩm chất đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; hệ thống chính sách, pháp luật vẫn còn nhiều "kẽ hở"; công tác đấu tranh, xử lý chưa kịp thời, thiếu kiên quyết, còn nể nang, né tránh... Đặc biệt quan trọng là công tác kiểm tra, giám sát còn chưa ngang tầm nhiệm vụ; vai trò của người dân trong PCTN chưa được đề cao; cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ người phát hiện, đấu tranh với hành vi tham nhũng còn nhiều hạn chế...
Để nâng cao hiệu quả của công tác PCTN cần đồng bộ nhiều giải pháp, đồng thời huy động sự vào cuộc của toàn xã hội. Một yêu cầu quan trọng là phải xét xử nghiêm minh, kịp thời và công khai những hành vi tham nhũng, đặc biệt là phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu (cơ quan, đơn vị, địa phương để xảy ra tham nhũng). Có một thực tế là xét xử tham nhũng nhiều khi còn khó hơn phát hiện hành vi tham nhũng, vì vậy, tham gia xét xử phải là những người thực sự trung thực, trong sạch, có bản lĩnh chính trị, có kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn. Bên cạnh đó, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân chính là sức mạnh và là nhân tố quan trọng để ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng. Vì vậy, cần có những cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ nhân dân khi tham gia PCTN, phải làm sao để nhân dân thực sự phát huy quyền làm chủ của mình, dám nói, dám làm... Một giải pháp mang tính chiến lược là tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ công chức. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Đạo đức là cái gốc của người cách mạng". Trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập, để thực hiện mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" thì những phẩm chất đạo đức "cần - kiệm - liêm - chính - chí công - vô tư" càng phải được đặt lên hàng đầu trong công tác chọn lựa, bổ nhiệm cán bộ. Thực tế một số nước như Singapore, Hàn Quốc, Thụy Điển... cũng coi trọng việc xây dựng đạo đức trong sạch, liêm khiết cho đội ngũ công chức, xem như là biện pháp quan trọng hàng đầu để hạn chế tham nhũng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.