Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng bào nhớ “ông Năm cơ chế”

Võ Lâm| 07/08/2012 06:23

(HNM) - Nguyên Bí thư TƯ Đảng Hoàng Tùng nhận định, cố Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công là "Người có mặt đúng lúc lịch sử có nhu cầu". Nhà văn Nguyên Ngọc coi ông là "Một người thầy lặng lẽ mà xiết bao uyên bác". Còn đồng bào nhớ ông là "ông Năm cơ chế", người đã đóng góp lớn cho sự ra đời của "Khoán 10" và con đường Đổi mới của đất nước.

Nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công và các cháu thiếu nhi. 
Ảnh: TTXVN

Sau năm 1975, đất nước còn hằn sâu vết thương chiến tranh trên khắp trong Nam ngoài Bắc. Nông nghiệp - sức mạnh chủ chốt của nền kinh tế - bị thất bát nghiêm trọng vì "hợp tác hóa" ồ ạt, sản xuất đình đốn, năng suất thấp. Các nguồn viện trợ đều giảm. Trong khi các nước tư bản còn ra sức bao vây, cấm vận. Cả nước phải gồng mình chống chọi với tình trạng thiếu lương thực. Trong bối cảnh ấy, những đổi mới quan trọng đã xuất hiện như lối thoát hiểm mở ra đúng lúc nguy cấp nhất. Đó là "Khoán 10" và chủ trương Đổi mới đất nước. Cố Chủ tịch Võ Chí Công là người có đóng góp quan trọng để mở ra những "cánh cửa" ấy.

Đồng chí Hoàng Tùng kể rằng, ban đầu, khi trên cương vị Phó Thủ tướng phụ trách về nông nghiệp, đồng chí Võ Chí Công đề nghị: "Tôi phụ trách công tác nông nghiệp, anh phụ trách công tác tư tưởng (đồng chí Hoàng Tùng - PV). Hãy mở rộng việc khoán sản phẩm cho xã viên và giao ruộng cho họ định rõ mức thuế và mức bán thóc, còn bao nhiêu họ hưởng hết, có thể bán theo giá thỏa thuận". Chủ trương này được thảo luận sôi nổi tại các địa phương, rồi làm thử. Kết quả bước đầu thành công, đem lại khí thế mới trên đồng ruộng. Từ đề xuất của Phó Thủ tướng Võ Chí Công, Chỉ thị 100 ra đời. Kết quả này đánh dấu một sự thay đổi lớn về tư duy kinh tế và quan trọng hơn, đã thổi một luồng gió mới vào đời sống nông dân.

Đồng chí Võ Chí Công còn có vai trò quan trọng khi cùng với đồng chí Trường Chinh chuẩn bị Đại hội lần thứ VI của Đảng. Theo đồng chí Hoàng Tùng, khi ấy có hai luồng ý kiến khác nhau. Một là giữ vững chính sách cũ, kế hoạch hóa tập trung cả sản xuất lẫn phân phối. Hai là phải đổi mới tư duy, lý luận; bắt đầu từ tư duy kinh tế. Nhờ đồng chí Trường Chinh, Võ Chí Công, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt và một số đồng chí khác kiên trì bảo vệ, ý kiến thứ hai trở thành tư tưởng trung tâm của báo cáo chính trị. Sau Đại hội VI, đồng chí Võ Chí Công là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Ông chuẩn bị Nghị quyết có số hiệu là 10 ("Khoán 10") giao quyền sử dụng ruộng đất cho nông dân. Đó là một bước chuyển mình thực sự của nền kinh tế đất nước, một dấu mốc lịch sử.

Nhà báo Thái Duy, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết những năm 1980 cho biết, những người nông dân ở nơi mà đồng chí Võ Chí Công đi thực tế từng nói với ông rằng họ ngạc nhiên về một vị Ủy viên Bộ Chính trị khuyến khích nông dân tham gia khoán ruộng giữa lúc không được phép như thế. Ông nhấn mạnh: "Tôi vẫn luôn nghĩ rằng, đất nước ta đã rất may mắn vì Đảng đã giao nhiệm vụ phụ trách nông nghiệp cho đồng chí Võ Chí Công". Còn đồng chí Hoàng Tùng khẳng định: Đồng chí Võ Chí Công đã xuất hiện đúng lúc lịch sử có nhu cầu và đã đáp ứng đúng nhu cầu ấy.

Cố Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công có đóng góp quan trọng như vậy xuất phát từ chính đạo đức và tác phong làm việc gần dân, sát thực tế của ông - những điều đã được hun đúc, rèn luyện từ chiến trường. Nhà văn Nguyên Ngọc kể rằng, ở Khu 5 khoảng năm 1970, mọi người gặp khó khăn về lương thực. Nhưng khi họp báo cáo, thảo luận, hầu hết ý kiến cứ nói "về cơ bản" bộ đội ta vẫn vững vàng, nhất định sẽ vượt qua khó khăn. Suốt buổi họp, đồng chí Võ Chí Công chỉ im lặng, lắng nghe. Cuối cùng, ông chậm rãi nói: "Các đồng chí, chúng ta là những người cộng sản. Người cộng sản là người luôn biết và dám nhìn thẳng vào sự thật. Đừng có nói "về cơ bản" nữa, đấy là cách nói tránh trớ". Sau đó, đồng chí chỉ đạo, hướng dẫn lo lương thực cho bộ đội, tập hợp lực lượng, không làm tràn lan mà làm có trọng tâm, trọng điểm. Đến cuối năm 1971 đầu năm 1972, tình hình tốt lên hẳn. Theo lời nhà văn Nguyên Ngọc, Khu 5 đã vượt qua thời kỳ đen tối nhất. Từng có thời gian làm việc cùng và bị ấn tượng mạnh bởi con người và phẩm chất của cố Chủ tịch Võ Chí Công, nhà văn Nguyên Ngọc chia sẻ: "Ước gì trong cuộc đời cầm bút của mình, chúng ta gặp được một người lãnh đạo có tầm nhìn và tấm lòng rộng lớn, một người thầy lặng lẽ mà xiết bao uyên bác, một người bạn lớn như ông…".

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của cố Chủ tịch nước Võ Chí Công là dịp cùng bày tỏ tri ân vì những đóng góp của ông với dân, với nước. Đây cũng là dịp để nhìn lại một tấm gương sáng về phẩm chất, đạo đức người cộng sản. Ông là nhà lãnh đạo đáng kính của đồng bào.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bào nhớ “ông Năm cơ chế”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.