(HNMO) - Đình làng Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, Đông Anh, Hà Nội, diện tích 3600m2 có xây tường bao quanh, nằm trong quần thể khu di tích lịch sử Đền Sái được nhà nước công nhận năm 1986. Thế nhưng gần 10 năm nay, sân sau của đình Thụy Lôi đã bị người dân sử dụng để làm nơi họp chợ gây mất trật tự, ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường trong khu di tích.
Tấm biển vào khu di tích lịch sử bị che mất |
Ông Nguyễn Phú Quý, đại diện cho ban quản lý di tích cho biết: “Năm 2004 khi xã đang triển khai xây dựng khu chợ mới, người dân phải họp chợ trên lối vào khu di tích gây ách tắc giao thông nên ban quản lý đã ký hợp đồng 5 năm với câu lạc bộ vật của thôn (đơn vị trực tiếp quản lý khu chợ), cho chuyển chợ vào trong sân phía tây của khu di tích nhưng chỉ được từ cây đa đình trở ra.
Đến nay hợp đồng đã hết và chợ cũng xây xong từ rất lâu, phần lớn các hộ dân đã di chuyển ra chợ mới, thế nhưng vẫn còn một số hộ dân không chịu di dời, mà còn hàn mái, cơi nới lấn sau vào trong. Mặc cho ban quản lý nhiều lần vận động, nhắc nhở, yêu cầu trả lại mặt bằng cho khu di tích để ban quản lý tiện đường tôn tạo”.
Theo quan sát của PV thấy, các hàng rau, được bày bán trước cổng vào khu di tích, mặt ngoài của khu tường phía tây bị một số hộ dân xây thành các ki ốt phục vụ việc buôn bán quần áo, bên trong chia thành nhiều ô nhỏ được hàn mái sắt kiên cố, kê bàn, ghế phục vụ cho việc bán thịt, cá. Nước và rác thải chảy lênh láng, ứ đọng trên mặt sân gây ra mùi hôi khó chịu, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường bên trong khu di tích.
Bà Mầu Thị Nho, người dân khu 3 thôn Thụy Lôi chia sẻ bức xúc: “Di tích lịch sử là nơi thiêng liêng để thờ cúng, là bộ mặt của thôn, không thể chấp nhận được cho việc họp chợ, gây mất trật tự, ô nhiễm môi trường sinh thái đã tồn tại bao đời nay”.
Bên trong bị các hộ dân hàn mái kiên cố |
Trao đổi về vấn đề này, Ông Đào Công Quát, Phó chủ tịch UBND xã Thụy Lâm khẳng định: “Không thể để chợ cóc làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường khu di tích, xã đang chờ văn bản từ ban quản lý khu di tích và lãnh đạo thôn gửi lên. Có văn bản cụ thể chính quyền xã sẽ xuống trực tiếp kiểm tra để có biện pháp di rời và xử lý theo quy định của pháp luật”.
Đề nghị các cơ quan chức năng, chính quyền xã sớm có biện pháp xử lý vấn đề trên, trả lại mặt bằng cho khu di tích.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.