Thể thao

Đội tuyển vật Việt Nam: "Làm mới" để nâng tầm

Minh An 13/08/2023 06:31

Vào đầu tháng 9 tới, lần đầu tiên đội tuyển vật nữ Việt Nam có chuyến tập huấn tại Nhật Bản và Serbia. Đó đều là những chuyến tập huấn mang tính đột phá trong nỗ lực nâng tầm để đội tuyển có thể vững vàng đua tranh ở ASIAD hay vòng loại Olympic.

vat-1.jpg
Đô vật Nguyễn Thị Xuân (bên phải), sẽ có cơ hội nâng tầm khi tập huấn tại Nhật Bản. Ảnh: Bùi Lượng

Liệu cơm gắp mắm

Nói về việc đưa đội tuyển vật nữ tham gia các chuyến tập huấn nói trên, phụ trách bộ môn vật (Cục Thể dục Thể thao) Tạ Tùng Đức kể rằng, nếu kinh phí thi đấu, tập huấn quốc tế được cấp cho bộ môn nhiều hơn thì có thể sẽ tính tới việc tạo điều kiện cho các đô vật nam. Tuy nhiên, do khả năng tranh chấp huy chương hay giành vé tham dự ASIAD, Giải vô địch thế giới, Olympic của các đô vật nữ lớn hơn so với các đô vật nam ở nội dung tự do và cổ điển nên bộ môn ưu tiên đầu tư cho các đô vật nữ.

Câu chuyện này không mới, bởi lâu nay vật tự do nữ vẫn là mũi nhọn của vật Việt Nam tại vòng loại Olympic hay các giải đấu cấp độ châu lục, thế giới khác. Thực tế, thành tích của vật Việt Nam tại các giải đấu cấp độ này đều gắn với các đô vật nữ. Còn các đô vật nam, dù “làm mưa làm gió” ở sân chơi SEA Games nhưng lại “lép vế” khi ra sân chơi châu lục hay thế giới. Cũng vì thế, đội tuyển nam chỉ có thể được xem xét tập huấn nước ngoài trước mỗi kỳ SEA Games, và chỉ có nhân tố thực sự nổi trội mới được đầu tư trọng điểm.

Hiện tại, đầu tư cho các đô vật nữ vẫn là ưu tiên của các nhà quản lý. Trong điều kiện kinh phí có hạn, họ phải “liệu cơm, gắp mắm” khi lựa chọn địa điểm tập huấn ở nước ngoài. Nhiều năm trước khi xảy ra dịch Covid-19, các đội tuyển vật thường chọn điểm tập huấn tại Trung Quốc. Dù vậy, để các đô vật có thể nâng tầm, tự tin tranh chấp huy chương ở ASIAD, tranh vé dự Olympic thì cần đến những phương pháp mới, trường phái mới và cách tiếp cận mới.

Đó cũng là lý do để đội tuyển vật chuyển hướng trong việc chọn địa điểm tập huấn.

Mang nhiều kỳ vọng

Cách đây gần 1 năm, đội tuyển vật đã đón một chuyên gia Nhật Bản tới huấn luyện. Phương pháp huấn luyện của chuyên gia người Nhật Bản đã thuyết phục Ban huấn luyện của đội và các VĐV.

Tuy nhiên, để tổ chức cho đội đi tập huấn tại Nhật Bản thì cần nguồn kinh phí lớn. Ước tính, khoản kinh phí cần có cho một ngày tập huấn tại Nhật Bản ít nhất cao gấp đôi so với những lần tập huấn ở nước ngoài trước đây. Đó thực sự là bài toán khó với các nhà quản lý dù cuối cùng, sau khi tính toán kỹ càng, họ vẫn chọn Nhật Bản để đưa các đô vật trọng điểm tới tập huấn nhằm chuẩn bị cho các mục tiêu lâu dài.

Theo ông Tạ Tùng Đức, dự kiến trong chuyến tập huấn này, kéo dài từ ngày 5 đến 23-9-2023, các đô vật sẽ được cọ xát với các đô vật của Nhật Bản từng giành chức vô địch ở các cấp độ châu lục, thế giới. Đó sẽ là trải nghiệm quý giá với các đô vật Việt Nam trên hành trình nâng tầm. HLV Trần Văn Sơn của đội tuyển vật nữ quốc gia không giấu vẻ háo hức trước chuyến tập huấn này khi đây mới là lần đầu tiên đội tới Nhật Bản tập huấn.

“Chứng kiến những gì mà chuyên gia Nhật Bản đã thể hiện kể từ khi đến với đội tuyển cách đây gần 1 năm, tôi tin rằng việc tập huấn tại Nhật Bản sẽ mang đến luồng gió mới trong công tác huấn luyện cũng như tập luyện của các HLV, VĐV vật ở Việt Nam" - HLV Trần Văn Sơn nói.

Cũng trong khoảng thời gian này, một nhóm VĐV khác của đội tuyển vật nữ Việt Nam sẽ tập huấn tại Serbia. Tuy nhiên, về lâu dài thì nhiều khả năng Nhật Bản sẽ là lựa chọn của các nhà quản lý cũng như HLV để thực hiện mục tiêu nâng tầm cho các đô vật Việt Nam. Phương châm đề ra là “đắt xắt ra miếng”, và trước mắt, thành tích thi đấu của các VĐV tại ASIAD 19 và vòng loại Olympic 2024 sẽ là cơ sở để đánh giá hiệu quả của định hướng tổ chức tập huấn nói trên. Sẽ là lý tưởng nếu các đơn vị chủ quản của VĐV đang góp mặt ở đội tuyển quốc gia, Liên đoàn vật Việt Nam sẽ chung tay để thực hiện mục tiêu, giúp VĐV có những chuyến tập huấn dài ngày, chất lượng.

Thực tế, câu chuyện ở đội tuyển vật là ví dụ cụ thể trong dòng chảy của thể thao thành tích cao Việt Nam khi nhiều đội tuyển đang cố gắng tìm đến những địa điểm tập huấn hợp lý ở Nhật Bản, Hàn Quốc hay các nước châu Âu thay vì chọn những địa điểm đã quá quen thuộc với VĐV như trước đây.

Trưởng phòng Thể thao thành tích cao 1 (Cục Thể dục Thể thao) Hoàng Quốc Vinh nhận định: “Chi phí cho những chuyến tập huấn tại các địa điểm mới có thể cao hơn địa điểm cũ nhưng nhiều khả năng sẽ giúp VĐV nâng cao trình độ chuyên môn tốt hơn. Ở những nơi đó, cơ sở vật chất phục vụ việc tập luyện ở mức hàng đầu châu lục, bên cạnh đó còn có những “quân xanh” người bản địa có trình độ cao hơn, giúp VĐV Việt Nam học hỏi, nhanh tiến bộ”.

Tất nhiên, sẽ cần thêm thời gian để đánh giá hiệu quả của việc tổ chức tập huấn tại những địa điểm mới. Nhưng rõ ràng, sự đổi mới trong tư duy quản lý, điều hành là điều đáng ghi nhận khi tất cả hướng đến những cột mốc mới trong hành trình phát triển của vật Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đội tuyển vật Việt Nam: "Làm mới" để nâng tầm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.