Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ môn Vật Việt Nam: Hướng ra ''sân chơi'' lớn

Ngân Hà| 18/12/2022 06:28

(HNM) - Những năm gần đây, dù được đánh giá cao về chuyên môn, song thành tích của đội tuyển vật Việt Nam tại các đấu trường châu lục và thế giới không ổn định. Vì thế, cần có sự đầu tư bài bản để giúp vật Việt Nam có những bước tiến đột phá, hướng tới "sân chơi" châu lục và thế giới.

Một trận đấu tại Giải Vật của Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX-2022. Ảnh: Bùi Lượng

Định hướng đến ASIAD và Olympic

Giải Vật của Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX-2022 (diễn ra từ ngày 5 đến 11-12) đã mang đến một số tín hiệu tích cực cho bộ môn vật của Việt Nam. Giải thu hút 205 vận động viên đến từ 22 đơn vị, tranh tài ở 11 nội dung tự do nam, 11 nội dung tự do nữ và 11 nội dung vật cổ điển. Kết quả, đội tuyển vật Hà Nội giành ngôi Nhất toàn đoàn với 11 Huy chương vàng, 5 Huy chương bạc và 7 Huy chương đồng. Xếp thứ Nhì là đoàn Quân đội với 10 Huy chương vàng, 3 Huy chương bạc và 6 Huy chương đồng và đoàn Thừa Thiên Huế đứng thứ Ba với 3 Huy chương vàng, 3 Huy chương bạc.

Theo phụ trách Bộ môn Vật, Tổng cục Thể dục - Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Tạ Tùng Đức, diễn biến và kết quả của các trận đấu cho thấy trình độ của các vận động viên khá đồng đều và khoảng cách giữa các đoàn cũng dần được thu hẹp. Trong đó, các địa phương như Thái Bình, Quảng Trị, Phú Thọ, Bắc Ninh đầu tư hiệu quả, khi có nhiều vận động viên vào trận chung kết.

“Qua giải đấu lần này, dễ dàng nhận thấy các địa phương ngày càng có sự đầu tư chuyên nghiệp và bài bản cho bộ môn vật. Đáng chú ý, có tới bốn đoàn lần đầu tiên dự giải, là: Cà Mau, Lâm Đồng, Hải Dương và Tuyên Quang. Đoàn Hà Nội tiếp tục khẳng định vị thế số 1, khi sở hữu nhiều vận động viên tài năng, trong đó có 8 đô vật nằm trong đội tuyển quốc gia”, ông Tạ Tùng Đức đánh giá.

Chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh cho rằng, tại đấu trường SEA Games, các đô vật Việt Nam đủ sức tranh chấp huy chương vàng ở tất cả các nội dung. Tuy nhiên, để môn vật tiến xa hơn tại sân chơi châu lục và thế giới, chúng ta cần phải đầu tư mạnh hơn.

Tăng cường tập huấn, thi đấu cọ xát

Theo huấn luyện viên đội tuyển Vật nữ Hà Nội Bùi Huy Hà (Bộ môn Vật, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao Hà Nội, Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội), một trong những giải pháp để nâng cao trình độ chuyên môn cho các vận động viên là tăng cường tập huấn, thi đấu cọ xát.

“Trong hai năm vừa qua, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kế hoạch để các vận động viên đi tập huấn, thi đấu ở nước ngoài của đội Vật nữ không thực hiện được, nên khó tạo sức bật về chuyên môn. Rất may, một số vận động viên hàng đầu của đội được tham dự SEA Games 31 và Giải Vô địch thế giới năm 2022 tại Serbia, nên phần nào có cảm giác thi đấu tốt”, ông Bùi Huy Hà nói.

Còn theo phụ trách Bộ môn Vật, Tổng cục Thể dục - Thể thao Tạ Tùng Đức, ở đấu trường châu Á, thế giới hay Olympic, vật Việt Nam vẫn phải tập trung vào các tuyển thủ nữ, bởi cơ hội giành huy chương ở nội dung này khả quan hơn. Hiện tại, niềm hy vọng vẫn đặt vào các vận động viên: Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (Thừa Thiên Huế); Nguyễn Thị Xuân, Kiều Thị Ly (Hà Nội). Trong số này, Kiều Thị Ly mới bị chấn thương nặng nên khả năng đua tranh ở sân chơi châu lục, thế giới còn bỏ ngỏ. “Tới đây, các vận động viên chủ lực những hạng cân sẽ tiếp tục được đơn vị đầu tư”, ông Tạ Tùng Đức cho hay.

Phụ trách Bộ môn Vật, Tổng cục Thể dục - Thể thao Tạ Tùng Đức cho biết thêm, một trong những phương án được tính tới là đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trong đó có việc mời gọi các đội tuyển vật mạnh ở châu lục và thế giới đến thi đấu, tập huấn tại Việt Nam. Cách làm này vừa tạo điều kiện cho các đô vật Việt Nam cọ xát, tích lũy kinh nghiệm, vừa tạo ra nguồn thu để tái đầu tư cho Bộ môn Vật. Ngoài ra, để tăng cường sức mạnh cho đội tuyển Vật Việt Nam, có thể tính tới việc kêu gọi các đô vật Việt kiều trở về nước thi đấu.

Tuy nhiên, để phát triển Bộ môn Vật bền vững, đào tạo được các đô vật đủ sức cạnh tranh trên đấu trường quốc tế, vẫn phải đầu tư từ gốc. Phó Chủ tịch Liên đoàn Vật Việt Nam Đới Đăng Hỷ cho rằng, Bộ môn Vật cần được đầu tư căn cơ, bài bản từ khâu đào tạo vận động viên ở các tỉnh, thành phố, ngành. Ở cấp độ đội tuyển quốc gia, cần những luồng sinh khí mới đến từ các vận động viên trẻ để hướng đến mục tiêu chinh phục tấm Huy chương ASIAD và tranh vé dự Olympic.

“Trong thời gian tới, Liên đoàn Vật Việt Nam sẽ huy động các nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế với Liên đoàn Vật châu Á và Liên đoàn Vật thế giới để đưa các đô vật Việt Nam đi tập huấn và thi đấu ở nước ngoài”, ông Đới Đăng Hỷ thông tin.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bộ môn Vật Việt Nam: Hướng ra ''sân chơi'' lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.