Nông nghiệp - Nông thôn

Đổi thay trên quê hương cách mạng Đông Mỹ

Ngọc Quỳnh 01/09/2023 - 14:22

Nhờ hàng loạt mô hình trang trại kinh tế kết hợp nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả và dịch vụ du lịch sinh thái, miền quê giàu truyền thống cách mạng Đông Mỹ của huyện Thanh Trì đang đổi thay từng ngày...

lang-que-dong-my.jpg
Làng quê Đông Mỹ ngày nay.

Xã Đông Mỹ (huyện Thanh Trì, Hà Nội) là vùng quê truyền thống cách mạng, là Chi bộ Cộng sản đầu tiên vùng ngoại thành Hà Nội trước đây. Ngày nay, nhờ hàng loạt mô hình trang trại kinh tế kết hợp nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả và dịch vụ du lịch sinh thái, Đông Mỹ trở thành vùng quê giàu đẹp của Thủ đô.

Vùng quê giàu truyền thống lịch sử...

Những ngày cuối tháng 8, chúng tôi có dịp quay trở lại xã Đông Mỹ. Nơi đây đang phát triển với những con đường bê tông trải dài, hàng cây xanh mướt, đặc biệt có rất nhiều trang trại nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng cây ăn quả đang hứa hẹn bội thu...

Bí thư Đảng ủy xã Đông Mỹ Trần Quốc Oai không giấu được niềm tự hào khi giới thiệu về xã: Trước đây, Đông Mỹ là Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên ở vùng thôn ngoại thành Hà Nội. Theo sử sách ghi lại, vào tháng 5-1930, Chi bộ hoạt động theo sự chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền cách mạng, xây dựng cơ sở hoạt động của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc kỳ; là chi bộ đầu tiên của Đảng bộ Hà Đông trước đây và là chi bộ nông thôn sớm nhất trong Đảng bộ thành phố Hà Nội ngày nay.

Nhà thờ họ Nguyễn Duy của Đông Mỹ cũng là một trong những địa chỉ nuôi giấu cán bộ cách mạng thời kỳ kháng chiến năm xưa; hôm nay trở thành "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân của xã.

Năm 1939-1941, căn hầm bí mật đặt tại Nhà thờ họ Nguyễn Duy là địa điểm kín, nơi trú ẩn an toàn của cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ, nơi cất giấu vũ khí, tài liệu, tổ chức họp xây dựng phong trào kháng chiến. Trong số cán bộ về địa phương hoạt động thời kỳ này có cố Tổng Bí thư Đỗ Mười, người con của quê hương Đông Mỹ. Thời kỳ này, nhiều gia đình ở Đông Mỹ không quản gian khó, đóng góp của cải, vật chất, giúp cán bộ mua lương thực, súng đạn, sẵn sàng hy sinh cho độc lập dân tộc.

Với những đóng góp to lớn, Đảng bộ và nhân dân xã Đông Mỹ vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang thời kỳ chống Pháp và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Từ chi bộ đầu tiên của vùng ngoại thành với 6 đảng viên, đến nay, Đảng bộ Đông Mỹ có 12 chi bộ với 533 đảng viên đang sinh hoạt.

dong-my-2.jpg
Mô hình chuyển đổi nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao ở Đông Mỹ.

... và không ngừng phát triển

Đông Mỹ không chỉ là vùng quê giàu truyền thống cách mạng, hiếu học, mà người dân nơi đây còn nhạy bén trong phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương. Đặc biệt, trong những năm qua, xã luôn đi đầu trong phát triển nông thôn mới và được chọn là đơn vị điểm của huyện Thanh Trì trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Năm 2014, Đông Mỹ được công nhận xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.

Để nâng cao đời sống người dân, từ năm 2000, xã chuyển đổi hơn 110ha vùng trũng sang mô hình nuôi trồng thủy sản, đời sống người dân ngày một nâng cao nhờ thay đổi cách nghĩ, cách làm.

Là cán bộ nhưng cũng là một trong những nông dân làm kinh tế giỏi ở địa phương, ông Nguyễn Văn Phương – Bí thư Chi bộ thôn 4 cho biết, trước năm 1997, đây là vùng đất cấy lúa kém hiệu quả. Sau khi dồn điền đổi thửa, gia đình ông chuyển sang nuôi trồng thủy sản (chủ yếu nuôi tôm càng xanh). Qua một thời gian, thấy mô hình này không đạt hiệu quả cao, gia đình chuyển sang mô hình trang trại nuôi cá kết hợp trồng cây ăn quả, cho giá trị kinh tế cao hơn...

Tương tự, với ý chí dám nghĩ, dám làm và tự hào là người con miền quê cách mạng, ông Nguyễn Văn Đạt, ở xã Đông Mỹ, cho biết, để nâng cao hiệu quả trong nông nghiệp, năm 2015, gia đình mạnh dạn thuê 14.600m2 ao đầm tại xã để đầu tư phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp sinh thái. Mỗi năm, trang trại của gia đình ông thu hoạch hàng chục tấn cá thương phẩm, mang lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng...

dong-my-3.jpg
Người dân Đông Mỹ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa nông thôn.

Phát huy truyền thống lịch sử và cách mạng, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, xã Đông Mỹ quyết tâm phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc, thu nhập bình quân đã đạt 69,5 triệu đồng/người/năm. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đông Mỹ Nguyễn Đình Tuấn, cùng với phát triển kinh tế, xã quan tâm đến đời sống văn hóa; bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, 5/5 thôn giữ vững danh hiệu Khu dân cư văn hóa. Xã còn đẩy mạnh thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với các phong trào thi đua yêu nước.

Trên nền tảng truyền thống lịch sử đáng tự hào của của quê hương, những người con Đông Mỹ luôn hăng say thi đua phát triển kinh tế, xây dựng xã văn hóa, xứng đáng với bề dày cách mạng của địa phương.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng, thành tựu hôm nay của Đảng bộ và nhân dân Đông Mỹ là cơ sở để nơi đây tiếp tục thực hiện tốt công cuộc xây dựng vùng quê giàu về kinh tế, mạnh về chính trị, vững về an ninh - quốc phòng, hoàn thành mục tiêu xã lên phường trong thời gian tới...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi thay trên quê hương cách mạng Đông Mỹ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.