Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đội ngũ cán bộ thư viện công cộng: Vừa thiếu, vừa yếu

Hiền Dung| 25/01/2010 07:03

(HNM) - Chiến lược của ngành thư viện Việt Nam đến năm 2010 là:

Học sinh Trường THCS Thành Công mượn và đọc sách tại thư viện nhà trường. Ảnh: Nguyệt Ánh


1,5 cán bộ/thư viện cấp huyện

Theo thống kê của ngành thư viện, hệ thống TVCC ở Việt Nam hiện nay gồm có: 1 thư viện quốc gia; 63 thư viện cấp tỉnh, thành phố; 613 thư viện cấp huyện và gần 2.000 thư viện cấp xã. Đa số các thư viện hoạt động theo mô hình truyền thống song song với hiện đại, có nghĩa là bạn đọc vào thư viện vừa có thể tra cứu tài liệu theo cách thủ công, vừa có thể sử dụng thư viện điện tử qua hệ thống máy tính kết nối internet. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Vụ phó Vụ Thư viện thì mô hình thư viện truyền thống vẫn "áp đảo", do đó cán bộ thư viện có vai trò đặc biệt quan trọng và không thể thiếu trong các TVCC. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, ngoại trừ Thư viện Quốc gia có gần 190 cán bộ, Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh có 120 cán bộ, trung bình các thư viện còn lại chỉ có từ 15-20 cán bộ. Cá biệt, Thư viện tỉnh Bắc Kạn chỉ vẻn vẹn 6 cán bộ. Bà Mai cho biết thêm: Trong tổng số 1.500 cán bộ thư viện cấp tỉnh, chỉ có 6% số người có trình độ sau đại học và số cán bộ thư viện còn thiếu ở hệ thống thư viện cấp tỉnh, thành phố lên tới con số hàng trăm người.

Đáng quan tâm hơn là thư viện cấp huyện chỉ có khoảng 900 cán bộ, trung bình 1,5 cán bộ/thư viện, trong khi chỉ tiêu biên chế là 3 cán bộ/một thư viện. Đội ngũ cán bộ thư viện không chỉ thiếu về số lượng mà còn yếu về chuyên môn với 55% số người chưa được đào tạo đúng chuyên ngành - bà Mai khẳng định.

Ngay ở Thư viện Hà Nội - thư viện cấp tỉnh, thành phố hiện đại bậc nhất cả nước với gần 80% cán bộ có trình độ đại học, được đào tạo đúng chuyên ngành thì cũng chỉ có 50% cán bộ thực sự đáp ứng được nhu cầu công việc, 50% còn lại cần phải được trang bị thêm kiến thức chuyên ngành - ông Chu Ngọc Lâm, Giám đốc Thư viện Hà Nội cho hay. Thư viện huyện Ba Vì có 2 cán bộ, trong đó chỉ có một cán bộ có nghiệp vụ, vậy mà bà Nguyễn Thị Kim Dinh, Giám đốc thư viện còn chia sẻ: "Chúng tôi may mắn còn có hai cán bộ chứ thư viện nhiều huyện khác chỉ có một cán bộ mà thôi".

Cũng theo đánh giá của Vụ Thư viện thì 80% cán bộ được đào tạo chuyên ngành thư viện mới được trang bị các kiến thức cơ bản về khoa học xã hội và nhân văn, về tổ chức và hoạt động của thư viện truyền thống. Cán bộ được đào tạo ở các ngành khoa học khác, đặc biệt là về công nghệ thông tin, ngoại ngữ chiếm tỷ lệ khá thấp, trong khi đó một trong những yêu cầu của hệ thống TVCC hiện nay là cán bộ thư viện phải biết xử lý nội dung các tài liệu khoa học, nhất là khoa học công nghệ, phục vụ cho phát triển kinh tế. Những hạn chế này của đội ngũ cán bộ là một trong những nguyên nhân cơ bản làm giảm khả năng đáp ứng nhu cầu của bạn đọc - bà Mai nhấn mạnh.

Gấp rút đào tạo và đào tạo lại

Sở dĩ, đội ngũ cán bộ TVCC trì trệ như trên là do một thời gian dài người ta quan niệm thư viện là nơi thu thập, tàng trữ, bảo quản di sản văn hóa bằng chữ viết, nên khi đào tạo các trường đã nhấn mạnh các chức năng văn hóa, giáo dục và giải trí của thư viện. Hiện nay, việc ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin và truyền thông trong lĩnh vực thư viện khiến cán bộ thư viện trở thành người "môi giới" tích cực giữa người dùng và nguồn lực, cho nên việc đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ thư viện là đòi hỏi tất yếu khách quan. Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tiệp, Giám đốc Thư viện Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh nói: Các cơ sở đào tạo cán bộ thông tin thư viện cần trang bị kỹ năng và phương pháp sử dụng phần mềm nguồn mở giúp cán bộ thư viện có thể cung cấp thông tin đa dạng cho bạn đọc.

Đây cũng là quan điểm của ông Chu Ngọc Lâm, Giám đốc Thư viện Hà Nội. Ông cho biết, tới đây Thư viện Hà Nội sẽ đưa đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng được nhu cầu công việc đi đào tạo và đào tạo lại.

Còn bà Nguyễn Thị Thanh Mai cho hay: Ngành thư viện đang tiến hành phân loại đối tượng cần đào tạo, đào tạo lại. Theo đó, đối tượng cần đào tạo, bồi dưỡng trong hệ thống TVCC hiện nay chủ yếu là cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ và cán bộ công nghệ. Cán bộ quản lý sẽ được bổ sung kiến thức pháp luật về lĩnh vực văn hóa; kiến thức về tổ chức, quản lý thư viện hiện đại. Cán bộ chuyên môn sẽ được trang bị kỹ năng sử dụng máy tính, khai thác thông tin trên internet… Ngoài ra, các thư viện tỉnh cũng sẽ có chính sách thu hút cán bộ chuyên sâu về tin học, ngoại ngữ về công tác.

Tuy nhiên, bà Mai cũng nhấn mạnh rằng: Việc xây dựng các chương trình đào tạo, đào tạo lại phù hợp với từng đối tượng không dễ dàng, do đó cần có sự đầu tư thích đáng về trí tuệ, vật chất và tổ chức khoa học, nghĩa là cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Vụ Thư viện, các trường đại học và Hội Thư viện Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đội ngũ cán bộ thư viện công cộng: Vừa thiếu, vừa yếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.