Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới sân khấu: Bắt đầu từ đâu?

An Định| 10/12/2022 13:28

(HNMCT) - Lâu nay, đổi mới sân khấu luôn được coi là yêu cầu sống còn để “cứu sống” sân khấu trong tình hình khó khăn hiện tại. Nhưng, đổi mới như thế nào, đổi mới từ khâu nào... lại là tệp câu hỏi khó mà việc đi tìm kiếm câu trả lời là một hành trình liên tục trên tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám thử nghiệm.

Vở “Người trong cõi nhớ” của Nhà hát Kịch Việt Nam là 1 trong 4 vở giành Huy chương Vàng tại Liên hoan sân khấu thử nghiệm lần thứ V.

Mới ở từng vở thì có tạo thành xu hướng?

Tại Liên hoan sân khấu thử nghiệm lần thứ V - năm 2022 do Hội Nghệ sĩ Sân khấu chủ trì, phối hợp với Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vừa tổ chức mới đây, công chúng đã được chứng kiến nhiều sự tìm tòi, thử nghiệm ứng dụng các kỹ thuật mới để thể hiện nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu thưởng thức của khán giả.

Với việc đề cao tính chất thử nghiệm, 15 đơn vị nghệ thuật trong nước tham gia Liên hoan đã cố gắng phô diễn sự mới mẻ trong tác phẩm dự thi của mình. Đó có thể là việc kết hợp hình thức biểu hiện của nhiều loại hình nghệ thuật trên sân khấu kịch. Chẳng hạn như sự kết hợp giữa cải lương và xiếc trong vở “Thượng Thiên Thánh Mẫu” (Nhà hát Cải lương Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam), sự kết hợp giữa diễn viên biểu diễn cùng con rối trong hai vở “Bản tình ca trên núi” (Nhà hát Múa rối Việt Nam) và “Lời thề” (Đoàn Nghệ thuật múa rối Hải Phòng)... Hay có khi chỉ là sự kết hợp về hình thức thể hiện như cách mà đoàn kịch LucTeam làm khi đưa những nét tinh túy của nghệ thuật tuồng, chèo truyền thống vào phong cách biểu diễn mang tính ước lệ ở vở “Antigone”...

Cái mới cũng được thể hiện qua cách các nhà hát cố gắng đưa kỹ thuật hiện đại vào để tăng sức hấp dẫn cho vở diễn. Chẳng hạn như Đoàn Nghệ thuật cải lương Long An đã đưa màn hình LED thay cho phông cảnh truyền thống trong vở cải lương “Truyền tích nàng Thơm”, vở diễn có sự kết hợp giữa cải lương, xiếc, âm nhạc truyền thống Việt Nam với nhạc kịch phương Tây; Đoàn Kịch nói Hải Phòng tạo ấn tượng với cách tạo dựng sân khấu bằng những bộ “cốt pha” kim loại, tạo cảm giác chật hẹp, bức bối của con thuyền khi qua sông trong vở “Bến bờ bên kia”...

Theo NSND Lê Tiến Thọ, sân khấu thử nghiệm là một thuật ngữ để chỉ tính tiên phong, sự cách tân của sân khấu, cách cấu trúc ngôn ngữ đạo diễn và nghệ thuật biểu diễn. Sân khấu thử nghiệm tạo ra những sáng tạo mới, nên thử nghiệm chính là điều sân khấu muốn thực hiện để làm mới mình, qua đó phục vụ tốt hơn nhu cầu của khán giả trong sự bùng nổ thông tin, trong cơ chế thị trường.

Nhưng có thể thấy, ngoài những người làm nghề, Liên hoan chưa nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng. Phải chăng, sự tìm mới trong từng vở diễn vẫn chưa đủ sức để tạo nên một xu hướng, một “cú huých” đủ mạnh để kéo sự chú ý của người xem với sân khấu hôm nay?

Trăn trở đổi mới

Đổi mới sân khấu để thu hút khán giả là đòi hỏi lớn mà ngành sân khấu đã trăn trở đi tìm câu trả lời trong hơn hai thập niên qua, kể từ khi sân khấu thực sự rơi vào cuộc khủng hoảng thiếu khán giả. Tuy nhiên, cần đổi mới từ khâu nào, đổi mới như thế nào? Đó là những câu hỏi chưa tìm được đáp án thỏa đáng trên thực tế.

Chỉ trước Liên hoan sân khấu thử nghiệm lần thứ V ít ngày, Hội Sân khấu Hà Nội đã tổ chức hội thảo “Xu hướng hoạt động sáng tạo nghệ thuật sân khấu theo cơ chế tự chủ hiện nay”. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trí Trắc, từ năm 1997, nghệ thuật sân khấu Việt Nam đã bắt đầu quá trình xã hội hóa; từ năm 2015 đến nay, sân khấu công lập chuyển dần sang sân khấu tự chủ. Tuy nhiên, hoạt động tự chủ và dấu ấn tư nhân hiện mới đang ở thời kỳ “quá độ”, chưa có chiến lược, thiếu chuyên nghiệp. Đây cũng là lý do khiến sân khấu hoạt động èo uột. Như vậy, phải chăng sân khấu cần đổi mới ngay từ cơ chế hoạt động?

Trước đó đã có nhiều diễn đàn tìm giải pháp phát triển sân khấu và theo các chuyên gia, khâu nào của lĩnh vực này cũng đang đứng trước đòi hỏi đổi mới một cách cấp thiết. Từ việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho sân khấu, đầu tư vào yếu tố con người ở mọi khâu (kịch bản, đạo diễn, diễn viên...) đến việc tạo cơ chế, đầu tư cho phát triển sân khấu... Tuy nhiên, đến nay, việc có những vở diễn đông khán giả, có lãi mới chỉ là hiện tượng lẻ tẻ. Đa số các đơn vị sân khấu vẫn phải sống nhờ ngân sách, vẫn dựng vở cho đủ chỉ tiêu và các buổi diễn vẫn vắng khán giả.

Dẫu vậy, đổi mới vẫn là yêu cầu sống còn của sân khấu trong bối cảnh hiện nay. Và trong hành trình ấy, những thử nghiệm của mỗi cá nhân, mỗi ê kíp, mỗi nhà hát hay rộng hơn là của cả ngành sân khấu với việc tổ chức những liên hoan, những buổi tọa đàm để tìm giải pháp đổi mới, để hối thúc đổi mới... là những nỗ lực cần thiết, đáng khích lệ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới sân khấu: Bắt đầu từ đâu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.