LTS: Trong giai đoạn 2011-2015, việc tổ chức thực hiện Chương trình 01-CTr/TU của Hà Nội và Chỉ thị số 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị về
Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi cởi mở, thẳng thắn với đồng chí Hồ Quang Lợi, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội xung quanh vấn đề này. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
- Thời gian vừa qua, phát biểu chỉ đạo tại nhiều hội nghị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị luôn nhấn mạnh tới việc đổi mới phong cách công tác và phương thức lãnh đạo theo hướng sát cơ sở, tập trung, quyết liệt, hiệu quả và dứt điểm. Đồng chí có thể cho biết nội hàm cụ thể của vấn đề này ở từng khía cạnh cụ thể?
- Trước hết, chúng ta phải nhìn nhận, tại sao đổi mới phong cách lãnh đạo lại quan trọng đến như vậy? Nếu không có phong cách lãnh đạo tốt thì làm sao có chất lượng lãnh đạo tốt. Phong cách lãnh đạo tốt là yếu tố then chốt bảo đảm ra quyết định chính xác và tổ chức thực hiện thành công các quyết định đó.
Ngay từ năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm nổi tiếng "Sửa đổi lối làm việc" để xây dựng cách lãnh đạo và lề lối làm việc, làm cẩm nang cho cán bộ đảng viên trong điều kiện Ðảng cầm quyền. Đến bây giờ, tác phẩm này vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự để cán bộ, đảng viên chúng ta học tập và làm theo. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Gặp mỗi vấn đề, ta phải đặt câu hỏi: Vì sao có vấn đề này? Xử trí như thế này, kết quả sẽ ra sao? Phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều. Chớ gặp sao làm vậy"; "việc gì cũng phải điều tra rõ ràng cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn". Việc xây dựng phong cách làm việc đòi hỏi tính nguyên tắc cao cùng với sự năng động, sáng tạo, nhạy cảm với cái mới; vừa nhiệt tình vừa khách quan, khoa học; vừa dân chủ vừa đòi hỏi sự quyết đoán, dám chịu trách nhiệm; sâu sát thực tế, nói đi đôi với làm; gần dân, lắng nghe dân…
Hà Nội là một địa bàn có tầm quan trọng đặc biệt. Từ khi mở rộng địa giới hành chính (tháng 8-2008) tới nay, Hà Nội phải giải quyết một khối lượng công việc đồ sộ, trong đó có nhiều việc mới, việc khó, nhiều vấn đề cũ - mới đan xen. Tất cả đều đòi hỏi phải giải quyết hài hòa. Chỉ riêng việc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản, di tích lịch sử - văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội trong không gian đô thị qua các dự án như: Xây dựng cầu vượt ở nút giao thông Ô Chợ Dừa, bảo tồn Hoàng thành Thăng Long, phố cổ Hà Nội, làng cổ Đường Lâm, di tích cầu Long Biên… đã là một bài toán rất khó, đòi hỏi một phong cách lãnh đạo mới.
Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển bền vững. Ảnh: Vũ Long |
- Theo đồng chí, phong cách lãnh đạo, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ hiện nay trên địa bàn thành phố như thế nào?
- Mấy năm gần đây, việc đổi mới phong cách lãnh đạo của Hà Nội ngày càng rõ nét. Từ thành phố tới cơ sở, các cấp ủy luôn luôn nghiên cứu, xem xét, nắm bắt tình hình thực tế, chọn ra những việc gì quan trọng nhất, cấp thiết nhất để tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, nhằm giải quyết một cách rốt ráo, quyết liệt, đạt hiệu quả ở mức cao nhất có thể. Những công việc đó bao gồm: Thứ nhất, các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, chúng ta phải thường xuyên thực hiện; thứ hai, những việc nóng, việc đột xuất phát sinh, trực tiếp tác động đến sản xuất và đời sống người dân. Tôi nhận thấy, thời gian qua, gần như tuần nào, tháng nào, quý nào cũng có những việc nóng, việc đột xuất xảy ra. Nếu cán bộ lãnh đạo các cấp, đặc biệt là người đứng đầu không đủ năng lực để xử lý vấn đề thì tình hình Thủ đô sẽ rất khó khăn, phức tạp. Đúng là công tác lãnh đạo, điều hành ở địa phương nào cũng khó, nhưng với Thủ đô đòi hỏi ở tầm mức rất cao. Do đó trong xử lý phải chặt chẽ, thận trọng để tránh những sai sót đáng tiếc, nhưng đồng thời đòi hỏi phải năng động, bởi nếu không đưa ra phương án giải quyết kịp thời thì có thể gây nên những hệ lụy nặng nề.
- Đồng chí có thể nêu những dẫn chứng cụ thể?
- Ví dụ, vào thời điểm này năm ngoái, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển thuộc khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam gây nên sự phản đối mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân. Hà Nội đã có một bài học về sự năng động, kịp thời và nhạy bén. Chỉ trong hơn một ngày, toàn bộ hơn 17.000 chi bộ đã tổ chức sinh hoạt để phổ biến nội dung văn bản do Ban Tuyên giáo Thành ủy biên soạn và hướng dẫn thực hiện. Từ sự quán triệt tới 38 vạn đảng viên, nội dung đó đã nhanh chóng lan tỏa để 7,5 triệu người trên địa bàn Thủ đô thống nhất nhận thức rằng, thể hiện lòng yêu nước ở thời điểm đó không phải là kéo nhau xuống đường biểu tình, tuần hành. Mỗi người cần thể hiện trách nhiệm với Tổ quốc, tình cảm hướng về biển đảo bằng những việc làm, hành động thiết thực nhất và điều quan trọng là phải gìn giữ sự ổn định, bình yên cho Thủ đô, cho đất nước, không làm cho tình hình thêm phức tạp để các thế lực xấu lợi dụng, tạo vị thế cần thiết để Đảng và Nhà nước triển khai các công việc đối nội và đối ngoại, trong đó có vấn đề bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Hay như vụ tranh chấp 6,7 mẫu ruộng trên cánh đồng Soi giữa hai thôn Tư Sản và Lưu Thượng ở xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên. Nếu chúng ta không kịp thời giải quyết bằng những biện pháp linh hoạt, phù hợp thì tình hình sẽ không kém gì những vụ chấn động ở một số địa phương khác…
- Để giải quyết có hiệu quả những việc lớn, cùng với đổi mới phong cách lãnh đạo, theo đồng chí biện pháp bổ trợ là gì?
- Tôi cho rằng, cần phải nhấn mạnh công tác kiểm tra, giám sát. Đây không phải biện pháp bổ trợ mà phải thực hiện song song, đồng bộ với công tác lãnh đạo. Thực tế cho thấy, khi có chủ trương đúng, có biện pháp đúng nhưng nếu không gắn với kiểm tra, giám sát thì có thể dẫn đến những khuyết điểm, sai lầm trong thực hiện. Kiểm tra, giám sát trước hết ở việc định ra chủ trương cùng các biện pháp, tiếp đến là cách thức thực hiện các biện pháp đó, tìm ra những vướng mắc, khuyết điểm trong quá trình triển khai để khắc phục. Đó chính là nét mới trong phong cách làm việc của lãnh đạo Hà Nội. Có thể kể ra một vài việc để thấy rõ hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát như: Việc dừng xây dựng khách sạn SAS trong khuôn viên Công viên Thống Nhất, hủy bỏ dự án xây cao ốc tại khu vực Quảng trường Cách Mạng Tháng Tám, dừng dự án xây dựng Trung tâm Thương mại - Dịch vụ ở Đường 19-12, giải quyết việc đòi đất có nguồn gốc tôn giáo, triển khai các dự án xây dựng, cải tạo tại Bệnh viện Đống Đa, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, dự án công viên hồ Ba Giang… Liệt kê ra từng ấy việc thì nghe có vẻ đơn giản, nhưng để giải quyết một việc như thế tốn không biết bao công sức. Có những việc phải huy động cả hệ thống chính trị với những biện pháp tổng thể, toàn diện, với tinh thần quyết liệt nhưng cũng phải hết sức linh hoạt và mềm dẻo.
- Địa bàn Thủ đô với những nét đặc thù riêng và khối lượng công việc thật đồ sộ, việc đổi mới phong cách lãnh đạo, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ là nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình. Tuy nhiên, nơi này nơi khác vẫn xảy ra những việc khiến dư luận, người dân phàn nàn. Liệu đó có là sức ép đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên?
- Tôi cho rằng, ở Thủ đô phải chịu những sức ép như vậy là lẽ đương nhiên, vì chúng ta là "Trái tim của cả nước", "cả nước nhìn vào Thủ đô ta, thế giới cũng nhìn vào Thủ đô ta". Hà Nội có tính đại diện, tính biểu tượng rất cao. Tất cả cán bộ, đảng viên ở Thủ đô cần hiểu rõ điều đó để xác định trách nhiệm, tâm thế của mình trong thực hiện công việc được giao. Khi chúng ta nỗ lực cố gắng tu dưỡng, rèn luyện để vượt qua sức ép đó thì bản thân sức ép đó trở thành động lực, và chúng ta sẽ nhìn thấy yếu tố tích cực, thúc đẩy từng cá nhân, tập thể thực hiện công việc của mình. Những việc lớn, việc khó, việc đột xuất phải được giải quyết một cách bình tĩnh, linh hoạt và hài hòa, đó chính là khoa học quản lý. "Nghệ thuật lãnh đạo là tìm ra sự bình quân giữa cái cần và cái có thể" - Tổng thống Nga V.Putin đã từng nói như vậy.
- Như phân tích ở trên, có thể thấy, đổi mới phong cách lãnh đạo, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng chính là cách thức thành phố triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI), Chỉ thị số 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị và Chương trình 01-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội?
- Hoàn toàn chính xác. Hà Nội triển khai thực hiện những nhiệm vụ lớn nêu trên với tinh thần học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chúng ta học tập phong cách của Bác, từ đó liên hệ với bản thân từng người, từng tập thể để từng bước đổi mới phong cách lãnh đạo, lề lối làm việc của mình. Nói phong cách lãnh đạo của tập thể, nhưng mỗi tập thể bao gồm nhiều cá nhân. Bản thân từng người phải đổi mới phong cách của mình, từ đó hình thành phong cách chung của tập thể dựa trên những nguyên tắc cơ bản. Trước hết phải nhận thức sâu sắc về trách nhiệm lãnh đạo, trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên, về những nhiệm vụ mình cần thực hiện, từ đó tăng cường sự thống nhất mà nói rộng hơn, sâu sắc hơn là đoàn kết. Nhưng đoàn kết, thống nhất phải được hiểu theo tinh thần tất cả đều phải hướng đến công việc chung, hướng đến hiệu quả của công tác lãnh đạo. Mà muốn có đoàn kết thực sự thì phải thực hiện dân chủ ở trong Đảng. Tất cả những vấn đề quan trọng, những việc mới, việc khó cần đưa ra bàn thảo một cách kỹ càng với tinh thần cởi mở, chân thành để từ đó thống nhất về nhận thức, thống nhất về hành động. Tôi cho rằng, đây chính là cách thức thiết thực trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí về những nội dung trao đổi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.