Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới nền hành chính để phát huy vai trò khoa học, công nghệ

Quỳnh Phạm| 05/01/2017 06:44

(HNM) - Ngày 4-1, Hội nghị trực tuyến “KH-CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” do Bộ KH-CN tổ chức đã diễn ra với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Chỉ rõ những hạn chế

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự đóng góp của KH-CN trong những thành tựu kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh của đất nước. Năm vừa qua, mặc dù gánh chịu nhiều thiên tai địch họa, song về căn bản các chỉ tiêu quan trọng vẫn hoàn thành. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng kỷ lục với quy mô vốn tăng 48%. Đặc biệt, KH-CN góp sức lớn để xuất khẩu nông, lâm sản đạt giá trị kim ngạch trên 2 tỷ USD. Mặc dù không có thứ hạng cao về kinh tế, song Việt Nam xếp thứ 59 về đổi mới sáng tạo, có nhiều nhà khoa học có đóng góp lớn trên nhiều lĩnh vực.

Việc đẩy mạnh ứng dụng KHCN giúp nâng cao đáng kể giá trị sản xuất nông nghiệp.



Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh cho biết thêm, các tiến bộ KH-CN đã đóng góp khoảng 30-40% tăng trưởng nông nghiệp. Tỷ lệ đưa máy móc, thiết bị vào sản xuất nông nghiệp tăng 1-2% so với năm 2015... Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh cũng thẳng thắn nhìn nhận nhiều khó khăn, bất cập tồn tại. Trong tổ chức và triển khai các nhiệm vụ KH-CN còn thiếu các hướng ưu tiên phù hợp, các chính sách, giải pháp mạnh mẽ để tạo đột phá trong những lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế. Chưa hình thành được các lĩnh vực mũi nhọn, đạt trình độ tiên tiến, có khả năng cạnh tranh bình đẳng với khu vực và thế giới. Cơ chế tài chính cho KH-CN đã được tháo gỡ, nhưng vẫn bất cập và cần tiếp tục được hoàn thiện để phù hợp với đặc thù của hoạt động này, chưa có cơ chế hấp dẫn để thu hút các nguồn lực xã hội, doanh nghiệp đầu tư cho KH-CN... Chính sách trọng dụng, sử dụng cán bộ KH-CN đã được triển khai thực hiện, song chưa đủ mạnh để thu hút được các nhà khoa học trẻ, tài năng, nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia các nhiệm vụ KH-CN. Quy trình thủ tục liên quan đến đăng ký và công nhận doanh nghiệp KH-CN còn phức tạp…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra những vấn đề lớn mà Ngành KH-CN cần tập trung giải quyết: Tuy xếp hạng đổi mới sáng tạo khá cao, nhưng năng lực cạnh tranh của Việt Nam chỉ đứng thứ 92/140, chứng tỏ nhiều tiêu chí còn tụt hậu.

Khai phóng mọi nguồn lực

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, cần đầu tư vào những lĩnh vực vừa thiết thực, vừa là thế mạnh như nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu hay dịch vụ du lịch, Bộ KH-CN nên phát triển các đề tài sản phẩm nông nghiệp cấp độ từ 1 tỷ đồng trở lên. Các kết cấu hạ tầng then chốt phải được tập trung tại một số khu vực lớn để phát huy hiệu quả. Hoạt động sở hữu trí tuệ cũng cần ráo riết hơn, chất lượng hơn, bởi đó là cơ sở quan trọng phục vụ đổi mới sáng tạo…

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng bày tỏ mong muốn cơ chế khoán, đặt hàng được áp dụng nhiều hơn trong nghiên cứu khoa học, đồng thời đề nghị cần nghiên cứu lại cách phân bổ ngân sách, đầu tư hơn nữa cho khoa học quản lý, quản trị.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh lại nhấn mạnh tới những thách thức Việt Nam sẽ phải đối mặt trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và cảnh báo hệ lụy tới những ngành đang thâm dụng lao động trước sự phát triển của tin học hóa, rô bốt hóa… Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu có sự nhìn nhận, xem xét, đánh giá tổng hợp các chính sách, khung pháp lý, biện pháp trong xây dựng thị trường KH-CN để có những ứng phó kịp thời.

Sau khi lắng nghe ý kiến của các bộ, ngành và địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự đồng cảm với những khó khăn mà các nhà khoa học đang phải đối mặt. Thủ tướng nhấn mạnh: “Phải tách hoạt động khoa học ra khỏi hoạt động hành chính, tránh tình trạng hành chính hóa nghiên cứu khoa học. Hãy làm quen với tư duy quản lý khoa học chỉ dựa vào kết quả, chứ không nên dựa vào quá trình. Đừng để các nhà khoa học phải lo mua hóa đơn”. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, phải tạo thể chế thông thoáng trong phát huy nhân tài, sử dụng người tài, kể cả người chưa vào Đảng, kiều bào nước ngoài, nhưng có nguyện vọng cống hiến cho quê hương. Trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam phải đổi mới, kiến tạo lại nền hành chính để phát huy vai trò của KH-CN, nhất là con người và thể chế. Tinh thần chung là khai phóng mọi nguồn lực sáng tạo để đưa đất nước tiến lên vững vàng.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý: Đề nghị Chính phủ hỗ trợ phát huy hiệu quả Khu công nghệ cao Hòa Lạc

Thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về KH-CN. Đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ luôn được thành phố coi là nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, Hà Nội đã đưa vào hoạt động Trung tâm Nghiên cứu, chuyển giao công nghệ Hòa Lạc; đẩy mạnh tiến độ xây dựng Trung tâm Giao dịch thường xuyên tại quận Tây Hồ (dự kiến hoàn thành trong năm 2017); khánh thành và đưa vào sử dụng Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội với việc ứng dụng công nghệ cao trong khám chữa bệnh… TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ và Bộ KH-CN tiếp tục hoàn thiện, ban hành các cơ chế, chính sách nhằm đổi mới việc xây dựng, tổ chức nhiệm vụ KH-CN, đổi mới cơ chế tài chính và phát triển tiềm lực KH-CN; đồng thời, hỗ trợ thành phố phát huy hiệu quả hoạt động của Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới nền hành chính để phát huy vai trò khoa học, công nghệ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.