(HNM) - Tăng cường tập huấn kỹ năng cho đại biểu; đổi mới tiếp xúc cử tri (TXCT) theo chuyên đề, đối tượng; thu thập, tổng hợp và định hướng việc trình bày các ý kiến tại hội nghị TXCT… được Đoàn ĐBQH và HĐND TP Hà Nội triển khai ngay từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay. Việc làm này nhằm mang hơi thở cuộc sống vào nghị trường, giúp mối quan hệ giữa ĐBQH và đại biểu HĐND với cử tri ngày càng khăng khít, xứng đáng với niềm tin mà cử tri và nhân dân gửi gắm vào đại biểu.
Cử tri huyện Mê Linh chất vấn tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn |
Cần coi trọng các khâu
Thực hiện Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Hà Nội đã tăng đại biểu chuyên trách cả ở Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố, trong đó có nhiều đại biểu tham gia lần đầu. Vì vậy, việc trang bị kỹ năng cho đại biểu là rất cần thiết, cả trong phương thức TXCT, tập hợp thu thập giải quyết, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo (KNTC) đến việc phối hợp với các cơ quan chức năng trong thẩm tra sự việc, báo cáo…
Từ yêu cầu trên, Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND thành phố đã tổ chức nhiều buổi tọa đàm, tập huấn kỹ năng cho đại biểu thông qua các hội nghị chuyên đề và lồng ghép với các hoạt động khác. Trong đó, Đoàn ĐBQH thành phố đã tổ chức hội nghị “Bàn giải pháp nâng cao chất lượng TXCT của ĐBQH”, tọa đàm “Kỹ năng TXCT và tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết KNTC”; cách thức phối hợp tổ chức hội nghị TXCT của Văn phòng Đoàn ĐBQH…
Theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Ngọ Duy Hiểu, để cuộc TXCT thành công phụ thuộc nhiều yếu tố như công tác chuẩn bị; điều hành của chủ tọa; dự báo tình hình cử tri; tham dự của lãnh đạo sở, ngành để tiếp thu, trả lời ngay vấn đề cử tri nêu… Song, yếu tố quan trọng hơn là việc thỏa mãn nguyện vọng của nhiều cử tri - được tham dự trực tiếp hội nghị, phản ánh những vấn đề mình quan tâm, bức xúc. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, những yếu tố trên chưa được thực hiện triệt để.
Dù Đoàn ĐBQH thành phố có văn bản đề nghị Thường trực HĐND, MTTQ quận, huyện, thị xã mời tối đa số lượng cử tri trong điều kiện cho phép và đủ thành phần cử tri tham dự, nhưng một số nơi mời số lượng cử tri rất ít, dù hội trường còn rộng. Thêm nữa, thành phần cử tri được mời không bảo đảm đầy đủ như hướng dẫn, hầu hết là lãnh đạo cơ sở, thiếu tiếng nói của cử tri trực tiếp lao động sản xuất. Chưa kể, một số quận, huyện có cử tri ngoài thành phần mời muốn tham dự, nhưng chưa có sự thống nhất của Thường trực HĐND, MTTQ; chỉ khi có ý kiến của đại biểu thì cử tri đó mới được tham dự.
Tình trạng trên cũng diễn ra ở một số buổi TXCT của đại biểu HĐND thành phố. Đơn cử như hội nghị TXCT của Tổ đại biểu HĐND thành phố trước kỳ họp thứ hai HĐND thành phố khóa XV tại huyện Phú Xuyên. Nhiều cử tri to tiếng với lực lượng chức năng, bởi không được vào dự để trình bày các vấn đề quan tâm, chỉ khi đại biểu HĐND thành phố có ý kiến thì cử tri mới được vào dự.
Tiếp tục đổi mới hình thức, nội dung
Để nâng cao hoạt động TXCT, ngoài đề nghị với UBND thành phố phân công tối đa lãnh đạo UBND thành phố và sở, ngành dự TXCT; MTTQ các cấp mời đủ thành phần cử tri, tạo điều kiện thuận lợi để cử tri có nguyện vọng tham dự hội nghị… Đoàn ĐBQH thành phố sẽ tổ chức TXCT chuyên đề theo dự kiến chương trình, nội dung từng kỳ họp. Đây là cách làm mới nhằm lắng nghe ý kiến của cử tri về những dự án luật sắp trình tại Quốc hội, nắm bắt thực tiễn, từ đó tham gia ý kiến xây dựng luật sát cuộc sống. “Đơn cử, kỳ họp tới đây, Quốc hội sẽ thảo luận Luật về các hội, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, nên trong đợt TXCT trước kỳ họp, ĐBQH sẽ nghe cử tri trao đổi, bày tỏ quan điểm, để có ý kiến sát thực tại kỳ họp” - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Ngọ Duy Hiểu cho hay.
Ngoài ra, Đoàn ĐBQH thành phố cũng thay đổi cách tập hợp, giải quyết đơn, thư KNTC. Theo đó, đơn thư của công dân sẽ được tiếp nhận qua nhiều kênh, tập hợp về một đầu mối, sau đó sẽ chuyển đến cơ quan chức năng. Sở dĩ làm như thế này để tránh trùng lặp nội dung, bởi có cử tri một vấn đề nhưng gửi nhiều đại biểu. Thêm nữa, trong quá trình TXCT, Đoàn ĐBQH thành phố sẽ phối hợp với Thường trực HĐND, MTTQ từ thành phố đến quận, huyện, thị xã định hướng cho cử tri cách trao đổi ý kiến, nêu vấn đề phù hợp với thẩm quyền giải quyết của từng cấp.
Việc đổi mới TXCT cũng được HĐND thành phố thực hiện. Trước mỗi cuộc TXCT, Tổ đại biểu HĐND thành phố đều đề nghị HĐND, UBND, MTTQ các địa phương tổng hợp các vấn đề cử tri quan tâm; thông báo cử tri phát biểu bằng văn bản ngắn gọn, trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề. Ngoài ra, HĐND thành phố sẽ chú trọng TXCT theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà đại biểu HĐND quan tâm. Thường trực HĐND một số quận, huyện đề xuất, ngoài cách thức TXCT truyền thống là hội nghị, thì có thể ứng dụng công nghệ thông tin để trao đổi thông tin với cử tri, giảm thời gian đi lại mà vẫn bảo đảm yêu cầu. Hy vọng, hình thức này sẽ được Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố áp dụng trong thời gian tới, đưa hoạt động TXCT ngày càng thiết thực, hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.