Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới để phát huy thế mạnh

Mai Lâm| 14/01/2017 06:53

(HNM) - Năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 8,6%, thấp hơn so với mục tiêu đề ra là 10%. Đáng nói là một số sản phẩm xuất khẩu thế mạnh đã có dấu hiệu “hụt hơi”.

Đáng mừng là trong năm 2016, nhiều loại hoa quả xuất khẩu nước ta đã vượt qua các đợt kiểm tra khắt khe để xâm nhập các thị trường khó tính. Nhờ sự bứt phá đó, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu rau quả đã vượt qua gạo. Bộ Công Thương cũng nhận định, đây là nhân tố mới, có nhiều tiềm năng phát huy để đóng góp nhiều hơn cho xuất khẩu. Phần lớn người dân nước ta sống dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ lẻ nên việc kiểm soát chất lượng gặp khó khăn. Thời gian qua, thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, quá trình dồn điền, đổi thửa được tích cực triển khai, tạo tiền đề cho phát triển sản xuất quy mô tập trung, chuyên nghiệp hóa, có giá trị gia tăng cao hơn. Có thể nói, chính sự thay đổi đó đã góp phần đưa những mặt hàng nông sản nói trên vượt qua được quá trình kiểm tra khắt khe để thâm nhập những thị trường khó tính.

Bước sang năm 2017, tình hình kinh tế thế giới cũng chưa có dấu hiệu sáng sủa, sức mua tại hầu hết các thị trường nhập khẩu hàng hóa từ nước ta được dự báo có thể giảm sút. Điều này chắc chắn sẽ tác động không nhỏ tới xuất khẩu. Bên cạnh tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, việc chủ động, tích cực nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết số 05-NQ/TƯ Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII là đòi hỏi cấp thiết.

Nghị quyết 05-NQ/TƯ nêu rõ: “Nhìn chung mô hình tăng trưởng về cơ bản vẫn theo mô hình cũ, chậm được đổi mới; tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư và số lượng lao động, chưa dựa nhiều vào tăng năng suất lao động, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới tổ chức, quản lý sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế”. Đây là những hạn chế phải sớm khắc phục khi tiến sâu vào sân chơi toàn cầu hóa và ưu thế về nhân công giá rẻ đã không còn là thế mạnh nổi trội. Mỗi doanh nghiệp cần phải chú trọng phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.

Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Bên cạnh thuận lợi là những thách thức, rào cản, sự cạnh tranh sẽ thêm phần khốc liệt. Thêm vào đó, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa nhập khẩu vào các nước phát triển ngày càng khắt khe. Không đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh sẽ rất khó tìm được chỗ đứng trên thị trường. Sự thay đổi tích cực trong tư duy sản xuất nông nghiệp đã khiến mặt hàng rau quả trở thành nhân tố mới trong xuất khẩu năm 2016. Nông dân đã có thay đổi và gặt hái trái ngọt xuất khẩu, không có lý gì các ngành khác không đổi mới, năng động, tích cực hơn để tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh sản phẩm làm nền móng vững chắc cho đẩy mạnh xuất khẩu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới để phát huy thế mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.