(HNM) - Năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) mở cửa, nhiều hiệp định tự do thương mại (FTA) sẽ được thực thi, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể hoàn tất..., cánh cửa hội nhập quốc tế mở rộng hơn, cơ hội phát triển nhiều hơn nhưng sức ép cạnh tranh cũng sẽ đến nhanh hơn.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt, quốc gia nào có năng lực cạnh tranh cao sẽ có nhiều cơ hội để vươn lên. Do vậy, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ "sống còn" nhất là khi những vấn đề về chi phí đầu tư, năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực đang khiến Việt Nam mất dần lợi thế.
Nâng cao năng lực cạnh tranh là đòi hỏi tất yếu và cấp thiết, vậy có thể đặt câu hỏi: Chúng ta cần nâng cao năng lực cạnh tranh thế nào và từ đâu? Những năm gần đây, các cơ quan quản lý nhà nước đã nỗ lực gỡ bỏ nhiều rào cản, cải thiện môi trường đầu tư... Tuy nhiên, theo một thành viên Chính phủ, chúng ta mới rà soát, sửa đổi trên giấy, giảm được bao nhiêu giờ làm thủ tục cũng mới chỉ là tính toán. Bước tiếp theo là phải đưa những cải cách đó đến với từng doanh nghiệp...
Doanh nghiệp là tế bào cấu thành của nền kinh tế, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp là một trong các nhân tố quyết định năng lực cạnh tranh quốc gia. Những tế bào yếu, không thể tạo nên một "cơ thể" khỏe mạnh. Doanh nghiệp yếu không đủ sức tồn tại trong thế giới mở với sự cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Do vậy, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp là nhiệm vụ hàng đầu. Và thực tế, những nỗ lực
cải thiện môi trường kinh doanh của các cơ quan chức năng chính là nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp phát huy sức sáng tạo để có khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Chính phủ quyết tâm nâng cao năng lực cạnh tranh, nhưng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương không đổi mới tư duy, đội ngũ cán bộ công chức không thay đổi cung cách làm việc thì quyết tâm ấy rất khó, nếu không muốn nói là không thể trở thành hiện thực... Hàng hóa trong luồng xanh hải quan chỉ mất 3 giây, nhưng cán bộ không chịu làm thì doanh nghiệp cũng chịu... Đó là một thực tế. Khi mà cạnh tranh đã được xác định là yếu tố có ý nghĩa "sống còn" thì tại sao không áp dụng cơ chế sàng lọc cho đội ngũ thực thi công vụ trong các lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc với doanh nghiệp như thuế, hải quan, đất đai, tín dụng… Không khó để nhận diện và xóa bỏ các "rào cản" giữa doanh nghiệp và nhà nước, vấn đề là có thật sự quyết hay không mà thôi!
Rõ ràng thúc đẩy cải cách thể chế, tạo môi trường lành mạnh cho sản xuất, kinh doanh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Thế nhưng, Nhà nước chỉ giữ vai trò quản lý và kiến tạo, vấn đề cốt lõi nằm ở chính doanh nghiệp, người đứng đầu doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không nỗ lực vượt qua chính mình, không thay đổi tư duy để làm ăn lớn, làm ăn nghiêm túc thì chắc chắn không thể tồn tại. Bởi lẽ, lối làm ăn "chộp giật", "cò con", lợi dụng quan hệ chạy dự án… chắc chắn sẽ không còn chỗ đứng trong một xã hội phát triển và ngày càng minh bạch hơn.
Tóm lại, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi tất yếu trong tiến trình mở cửa, hội nhập và chỉ trở thành hiện thực khi có sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa Nhà nước với doanh nghiệp trên nền tảng quyết tâm đổi mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.